Tuy là 54 dân tộc với bản sắc khác nhau, nhưng đã là người Việt Nam đều có chung một vị Quốc Tổ. Hằng năm vào ngày 10-3 Âm lịch, Lễ giỗ Tổ Lạc Long Quân, Mẫu Âu Cơ, các Vua Hùng diễn ra trọng thể với phần lễ và phần hội tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Năm 2021 là năm lẻ, cộng với đại dịch Covid đang hoành hành nên tỉnh Phú Thọ chỉ đứng ra chủ trì phần lễ và rút gọn quy mô phần hội với cuộc thi gói bánh chưng. Nhưng trong tâm khảm người Việt Nam đều có một mong muốn cháy bỏng, khi thuận lợi đời người nên có một lần ra dâng hương Quốc Tổ. Ai có điều kiện thì đi nhiều, người không có điều kiện vào ngày lễ vẫn thắp nén tâm nhang bái vọng đến vua cha.
Tỉnh Phú Thọ hàng năm đều tổ chức nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Do vậy, tình dân tộc, tình đồng bào, tính đoàn kết trong người Việt Nam rất lớn. Chính vì sự độc đáo đó mà năm 2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang. Hiện tại theo kiểm kê của tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trải rộng khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, song Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tuyên Quang có đền Thượng, xã Tràng Đà thờ Ngọc Lân công chúa con Vua Hùng. Đền mới được trùng tu, tôn tạo, trở thành địa điểm hấp dẫn du khách.
Tuyên Quang là tỉnh láng giềng của Phú Thọ. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 di tích gắn liền với thời đại Hùng Vương. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép rằng: Đền thần Ỷ La: Tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa (người chị) ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc địa phận phường Tân Quang ngày nay, tức là đền Hạ. Đền thờ Ngọc Lân công chúa (người em) ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã Tràng Đà ngày nay, tức đền Thượng. Còn đền Mẫu Ỷ La, thuộc phường Ỷ La, là nơi “lánh nạn bát hương, bài vị” của hai bà khi giặc đến. Thế nên hằng năm Lễ hội đền Hạ không thể tách rời lễ hội đền Thượng và đền Mẫu Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu được nhắc tới trong lời tế và thần tích được phụng thờ ở ba ngôi đền đều có chung ngày lễ trọng rước Mẫu. Trong ngày diễn ra Lễ hội rước Mẫu, đền Thượng và đền Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, đền Hạ là nơi hợp tế. Hằng năm Công chúa Ngọc Lân và Phương Dung gặp nhau hai lần vào trung tuần tháng Hai và tháng Bảy Âm lịch rồi cùng cáo lên trời. Khi rước bài vị Thánh Mẫu từ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ là biểu hiện sự gặp gỡ đoàn tụ, sum họp gia đình của hai chị em Ngọc Lân và Phương Dung công chúa, được thờ ở ba ngôi đền linh thiêng, nổi tiếng bậc nhất ở xứ Tuyên.
Năm nào cũng vậy, nhiều đoàn khách tập thể, cá nhân từ Tuyên Quang hành trình xuống Phú Thọ dâng hương, tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng để bày tỏ sự thành kính, tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đồng thời luôn ghi nhớ câu nói nổi tiếng của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Quốc hội, Chính phủ đã quyết định cho người lao động nghỉ một ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tạo điều kiện cho người dân có thời gian thực hiện quyền, nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết