Cau trong đời sống văn hóa người Việt
Người Việt thường biết tới “Sự tích trầu cau” đầy ly kỳ, dân gian thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Bởi vậy quả cau không thể thiếu và thường xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng của người Việt. Người phụ nữ và cả đàn ông Việt trước đây có tục ăn trầu và bây giờ nhiều người vẫn ăn như một nét văn hóa, thói quen.
Bà Nguyễn Hồng, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, thời thanh niên bà bắt đầu ăn trầu, đến bây giờ trên 80 tuổi bà vẫn ăn trầu. Một ngày bà Hồng thường ăn ít nhất 5 miếng trầu. Theo bà Hồng ăn trầu chắc răng, chống hôi và viêm nhiệt miệng, có lẽ là vì trầu (cau, lá trầu, vỏ, vôi) có tính sát khuẩn và kháng khuẩn cao, kích thích tiêu hóa, tránh đầy bụng, chướng khí.
Các thương lái đi thu mua cau để sấy khô xuất khẩu đi Trung Quốc.
Ở Tuyên Quang, cây cau chưa được trồng thành vùng chuyên canh mà người dân tận dụng đất ven nhà trồng theo kiểu phân tán. Có gia đình trồng 5-10 cây cau làm cảnh, bóng mát, có gia đình trồng để ăn trầu, bán tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Thượng Ấm (Sơn Dương) cho rằng, cây cau vươn cao không cớm vườn, không tốn diện tích, không kén đất, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chỉ có điều rễ nó lan khá xa. Thường có hai giống cau chủ yếu là cây cau cao truyền thống và cau lùn. Cây chịu hạn, chịu nắng tốt, cho quả từ 4 - 5 năm tuổi. Trồng cau một lần có thể thu hoạch trên 50 năm, cái vất nhất là cây cao trèo khó, cần thuê thợ hái cau chuyên nghiệp. Một cây cau trưởng thành một năm cho
3 - 5 buồng, mỗi buồng khoảng 4 - 5 kg. Với giá cau như hiện nay, một cây cau thu trên 1 triệu đồng/năm.
Bất ngờ về giá cau
Mọi năm giá quả cau đều đều 20 - 25 nghìn đồng/kg, thì năm nay bỗng dưng lên vọt 80 - 100 nghìn đồng/kg thời kỳ cao điểm.
Ông Hà Văn Vận, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) nhìn hàng cau gần 10 cây trước cửa nhà tiếc đứt ruột. Chuyện là đầu năm ông bán cau non cho lái buôn với giá 2 triệu đồng. Giờ nhìn người ta thu hoạch được mười mấy triệu đồng mà đầu cứ ngơ ngẩn.
Mùa cưới hỏi cũng đúng vào thời điểm mùa cau rộ thu hoạch. Ông Nguyễn Tố Sơn, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) vừa bán gần chục cây cho lái buôn, giá 85 nghìn đồng/kg. Ông cười bảo: Năm nay “lơ ngơ” mà kiếm được hơn chục triệu tiền cau. Nếu vườn có 50 cây chắc thu một khoản khá.
Giá cau tốt lên, gia đình ông đã quyết định chuyển đổi cơ cấu, thay toàn bộ cây keo ven đồi để trồng thay thế cây cau theo đúng kỹ thuật. Theo ông Sơn, họ mua cau làm cau cưới, cúng, ăn trầu trong nước cũng chỉ phần nào. Còn hầu hết cau được thu mua để mang về các lò dưới xuôi sấy khô xuất khẩu đi các nước, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc.
Anh Trần Sơn - một thợ đi thu mua cau dạo - chia sẻ: Cau này anh thu mua mang về Vĩnh Phúc, Hà Nội bán cho các lò sấy lớn. Thường cau tươi đúng tiêu chuẩn 45 - 55 quả/kg được cho vào thùng luộc chín trong 1 giờ vớt ra để ráo nước, sau mang sấy 5 ngày cho khô trên lò than củi. Cho cau vào lồng quay để tách những quả đạt chất lượng. Cứ khoảng hơn 4 kg cau tươi thì ra 1 kg cau khô. Cau non, khi chưa hình thành hạt hoặc chỉ có hạt nhỏ, là loại cau được thương lái Trung Quốc săn đón nhiều nhất. Cau khô được phân loại, đóng gói đưa vào kho lạnh bảo quản, chờ lên công ten nơ xuất đi Ấn Độ, Trung Quốc.
Các thương lái đi thu mua cau để sấy khô xuất khẩu đi Trung Quốc.
Các lái thương tuyên bố, bao nhiêu cau khô cũng mua hết. Cau khô được xuất sang Trung Quốc chủ yếu làm kẹo. Loại kẹo này như kẹo gừng, có vị ngọt, thường dùng ăn vặt, khi ăn có cảm giá the mát, sảng khoái trong khoang miệng. Người Trung Quốc thường ăn kẹo cau để chống viêm họng, giữ ấm cơ thể hoặc khi cảm thấy mệt mỏi và cần tỉnh táo. Một gói kẹo cau 50 - 70 gram cần khoảng 12 trái cau khô để sản xuất. Một gói kẹo cau chất lượng có giá 350 nghìn đồng. Hạt cau cũng là thành phần chế biến ra thuốc tẩy giun. Người dân ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc thường hầm cau khô cùng chim cút hoặc nấu cháo để bồi bổ cơ thể, cải thiện tiêu hóa. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, các mặt hàng liên quan đến cau tăng với tốc độ 20% mỗi năm, cho thấy nhu cầu lớn.
Nằm ngay sát thị thường tiêu thụ cau rộng lớn của Trung Quốc, Việt Nam đang có triển vọng cho nghề trồng cau. Bà Đỗ Thị Thanh, xã Tứ Quận (Yên Sơn) có mấy cây cau đang chờ giá lên nữa, nhưng mấy hôm nay giá đang tụt dần, khiến bà hơi buồn. Vì giá cau lên xuống nằm trong tay hệ thống lái buôn của Trung Quốc, khi người ta “ăn đủ hàng” thì hạn chế nhập, giá sẽ giảm dần. Và đây cũng là “mẹo” để ép giá. Tuy nhiên theo nhiều người, cho dù giá cau có tụt chút ít thì người trồng cau năm nay vẫn thắng lớn. Nếu gia đình nào trồng nhiều, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, trồng cau cũng mang lại một triển vọng mới.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: Việc giá cau tăng và lên xuống thất thường là có, chủ yếu do phía lái buôn nhập quyết định. Hiện nay cây cau ở tỉnh ta không phải là cây trồng chính mà bà con thường trồng phân tán, tận dụng đất đai, để tăng thu nhập. Do giá cau sốt, nhiều người ồ ạt mua cau giống về trồng cũng cần tìm hiểu kỹ về giống, giá cả, thị trường đầu ra ổn định của sản phẩm, tránh tình trạng cây trồng mất nhiều năm, giá cả lại lên xuống bấp bênh, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Theo ông Thanh, thời điểm hiện tại, bà con nên trồng tận dụng đất là hợp lý.
Gửi phản hồi
In bài viết