Tâm huyết với nghề
Những ngày đầu tháng 3, tôi có dịp được ngồi trò chuyện cùng bác sỹ Lưu Thanh Hòa trong căn phòng nhỏ ấm cúng. Anh kể: Ngay từ thời học sinh anh đã mơ ước sau này trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho người dân và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi anh thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Nguyên.
Năm 1988, sau khi tốt nghiệp, anh đã về quê hương và bắt đầu sự nghiệp tại Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Hà Tuyên, nay là Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang. Với nhiệt huyết, đam mê và ham học hỏi đồng nghiệp nên anh bắt nhịp với công việc khá nhanh. Sau 2 năm công tác tại bệnh viện, anh được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện cho theo học lớp đào tạo về ngoại khoa tại Viện Y học Cổ truyền Việt Nam, ?Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Sau khi được đi đào tạo về anh lần lượt thực hiện các ca phẫu thuật trĩ thành công, giúp người bệnh không phải về Hà Nội để điều trị. Từ đấy, anh được coi là người đặt nền móng cho mổ trĩ tại tỉnh ta.
Bác sỹ Lưu Thanh Hòa tâm sự, những năm đầu anh về công tác tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh mọi cái còn khó khăn lắm cả về trang thiết bị, đội ngũ y bác sỹ đều thiếu thốn. Anh vẫn còn nhớ như in ca phẫu thuật trĩ đầu tiên là một người ở huyện Hàm Yên, gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn lắm, nhưng được sự động viên, giúp đỡ của cán bộ y, bác sỹ của bệnh viện nên ca phẫu thuật của anh đã thành công. Lúc bấy giờ do cơ sở vật chất thiếu thốn nên anh đã chế thêm thanh gỗ ngang bàn để kê tay bệnh nhân, giữ tay bệnh nhân để không ảnh hưởng đến ca phẫu thuật.
Nhớ lại thời gian đầu công tác tại bệnh viện bác sỹ Hòa nói, dạo đó thiếu bác sỹ lắm nên khi không phải ca trực nhưng có trường hợp cấp cứu theo chuyên ngành của anh là anh tự nguyện hỗ trợ kíp trực. Nhờ tích cực học tập nên tay nghề của anh ngày càng vững vàng, áp dụng được nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, chẩn đoán tốt trước khi mổ nên thực hiện thành công các ca bệnh.
Vượt lên khó khăn
Công tác từ nhiều cơ quan khác nhau, từ Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh, Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh, đến năm 2009, bác sỹ Lưu Thanh Hòa được phân về công tác tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nay là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh và giữ chức vụ Phó Giám đốc. Công tác trong môi trường mới, nhưng với sự cần cù, sáng tạo, kinh nghiệm mà anh học hỏi được từ thực tiễn, từ các thế hệ đàn anh đi trước, anh luôn khẳng định mình qua những việc làm cụ thể.
Bác sỹ chuyên khoa I Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra số liệu cập nhật các kết quả xét nghiệm Covid-19 cuối ngày.
Theo anh, làm nghề y thì đặt đạo đức lên trên hết, phải tận tâm, tận lực vì sức khỏe nhân dân. Như vậy người ta mới tin mình, đến với mình. Noi gương các thế hệ thầy thuốc đi trước, anh luôn cố gắng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tin yêu, quý trọng.
Hơn 10 năm gắn bó với công việc y tế dự phòng, bác sỹ Hòa đã đặt chân đến khắp các thôn, bản. Có những thôn, bản đường xá gập ghềnh, khó đi, muốn vào đến thôn, bản làng phải lội qua mấy con suối. Công tác phòng, chống dịch bệnh lúc bấy giờ cũng chưa phát triển lắm, đồng thời nhận thức của bà con dân tộc còn hạn chế nên tình hình dịch bệnh ở các xã vùng đặc biệt khó khăn hết sức phức tạp.
Các xã Sinh Long (Na Hang); Bình An (Lâm Bình); Trung Hà (Chiêm Hóa)... thường có người mắc sởi, ho gà, viêm gan A. Anh cùng đồng nghiệp lặn lội vào tận thôn, bản để giám sát dịch, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn dân bản các biện pháp phòng, chống. Và hơn 1 năm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, vượt lên trên khó khăn đặc thù, bác sỹ Lưu Thanh Hòa vẫn đang lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trải qua các đợt dịch Covid-19 trên cả nước, người bác sỹ ấy không chỉ thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người bác sỹ dịch tễ mà còn hiểu được rằng: Thành công của một ca phẫu thuật có thể cứu sống một mạng người nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống nhiều triệu người, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống cho cả một dân tộc. Không trực tiếp điều trị nhưng lại có thể bảo vệ sức khỏe của rất nhiều người.
Những ngày tháng làm công tác phòng, chống dịch Covid-19, bác sỹ Hòa cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh nhiều đêm làm việc thâu đêm để điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2... đầy căng thẳng và áp lực. Bác sỹ Hòa chia sẻ, trong dịch Covid-19, không chỉ riêng anh mà các đồng nghiệp trong Trung tâm đều phải làm việc với cường độ liên tục, gấp đôi so với những ngày thường. Cứ có thông tin dù đêm hay ngày là cán bộ Trung tâm lại lên đường, có nhiều ca biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải làm nhiệm vụ.
Với kinh nghiệm và sự năng động, nhiệt tình, bác sỹ Hòa đã được phân công tham gia cùng tổ công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Những ngày đầu xảy ra dịch, công tác điều tra, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm còn rất lúng túng đối với các cán bộ y tế cơ sở. Tuy nhiên, từ khi anh cùng cán bộ của Trung tâm xuống trực tiếp hỗ trợ cơ sở, hướng dẫn công tác truy vết, khoanh vùng và xử lý các trường hợp nghi ngờ; hướng dẫn, giám sát công tác chuẩn bị từ nhân lực, vật lực, trang thiết bị, hóa chất... thì đến nay cán bộ y tế tại cơ sở đã có thể giải quyết được công việc này, đáp ứng yêu cầu chống dịch trong tình hình mới.
Bác sỹ Hòa còn say mê với công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó có nhiều đề tài của cá nhân và tập thể anh tham gia nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn trong phẫu thuật trĩ, vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn...
33 năm công tác, niềm vui đến với bác sỹ Lưu Thanh Hòa cũng nhiều và khó khăn, vất vả cũng lắm nhưng anh đã vượt qua để cùng những người nơi tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết