Điểm sáng mùa hoa lê
Những ngày này, mùa hoa lê Hồng Thái (Na Hang) đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều người. Từ các phương tiện truyền thông đại chúng đến mạng xã hội, những hình ảnh, thông tin về hoa lê Hồng Thái ngập tràn khiến du khách tìm về vườn lê cứ tăng lên. Và một trong số những người nỗ lực góp phần đưa hình ảnh mảnh đất, con người vùng cao Hồng Thái đến với mọi miền của Tổ quốc không ai khác chính là cô gái dân tộc Dao Tiền - Đặng Thị Dương, chủ cơ sở Homestay Đặng Dương, thôn Khau Tràng. Dương là niềm tự hào của gia đình không chỉ bởi học hành đến nơi đến chốn với tấm bằng cử nhân Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn mà còn nổi tiếng là phiên dịch viên tiếng Trung nhờ tự học.
Là cô gái trẻ thế hệ 9X, khởi nghiệp với loại hình du lịch cộng đồng, Dương gặp không ít khó khăn. Kinh nghiệm thiếu, vốn thiếu, cái chị có duy nhất là nhiệt huyết của tuổi trẻ. “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, thiếu vốn chị vận động gia đình cải tạo chính căn nhà sàn đang ở để làm Homestay. Chiếc chăn để đắp, chiếc ga trải giường cũng chính là tấm chăn thổ cẩm của đồng bào dân tộc. Chị còn đặt bà con may thêm quần áo dân tộc Dao Tiền để du khách có thể hóa thân thành các cô gái vùng cao hái lê, hái chè, trồng rau cùng bà con. Để thu hút du khách, bước đầu Dương mời gọi chính những người bạn thời đại học đến thăm gia đình, thăm làng bản. Rồi từ những bộ ảnh check in, live tream tại vườn lê, đồi chè, hay chính cơ sở homestay cứ thế lan truyền trên mạng xã hội theo cấp số nhân, và sức hấp dẫn của mảnh đất được ví như Sa Pa của Tuyên Quang cũng lôi cuốn du khách theo cách tự nhiên như thế.
Chị Dương phấn khởi khoe, chưa mùa hoa lê nào mà du khách tìm đến đông như mùa hoa lê năm nay. Chỉ tính trong 1 tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày homestay của chị đón 30-40 lượt khách. Chị bảo, Hồng Thái đẹp 4 mùa trong năm. Vì vậy, chị tính sẽ mở rộng quy mô homestay, dựng thêm những căn nhà gỗ mộc mạc, đơn sơ bên những vườn lê, đồi chè để thuận lợi cho việc tham quan, nghỉ dưỡng của du khách gần xa.
Vững vàng vượt bão Covid
Chị Đỗ Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) nổi lên khi chị mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty Chè sau 10 năm là công nhân làm việc trong lĩnh vực này.
Từ việc mua máy móc đến thiết kế mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng khiến chị vỡ ra nhiều điều. Sản phẩm chè của công ty cũng hết sức đa dạng, từ bình dân đến cao cấp nhưng điều cốt lõi vẫn là chú trọng chất lượng. Chị chấp nhận ký kết hợp đồng thu mua chè giá cao với người dân, đổi lại là chè sạch, chè VietGAP. Nhờ vậy, các sản phẩm chè của công ty như chè xanh đặc sản, chè xanh túi lọc Hương Nhài, chè thảo dược xạ đen… đến được các siêu thị, trung tâm thương mại của các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh lân cận, lợi nhuận mỗi năm đạt vài tỷ đồng.
Song, đó là câu chuyện khi chưa có dịch Covid-19. Chị bảo, thân gái dặm trường, chị bôn ba khắp nơi tìm kiếm khách hàng trong mùa dịch, chị thấm thía chân lý của việc mua và bán. Người ta vẫn bảo, có tiền mua tiên cũng được, nhưng khi có sản phẩm, muốn bán sản phẩm ấy đi, nhất là vào thời buổi dịch bệnh thì khó khăn là không kể hết. Chị lăn lộn tìm kiếm đơn hàng. Bên cạnh việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, chị cũng tích cực giới thiệu sản phẩm chè thông qua hội chợ thương mại, chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và chị còn tìm đến từng gia đình để giới thiệu sản phẩm, bán từng cân chè. Cứ thế, những sản phẩm chè của công ty không chỉ có mặt trong những gói quà tri ân gặp mặt đầu xuân của các doanh nghiệp mà còn xuất hiện trong nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm của nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng tạp hóa và trong chính góc trà của mỗi gia đình.
Bắt nhịp với thời đại số
Bão Covid -19 tràn về khiến không ít nhà kinh doanh điêu đứng. Tuy nhiên, cái khó ló cái khôn, các bạn trẻ vốn nhanh nhạy với công nghệ số đã nắm bắt cơ hội này để lập nghiệp. Và Công ty cổ phần Công nghệ KTS Tuyên Quang do chị Trần Thị Huệ làm Tổng Giám đốc ra đời trong hoàn cảnh như thế. Chị Huệ khẳng định, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, nhất là khi xảy ra đại dịch Covid -19. Nhà nhà mua sắm Online, người người kinh doanh Online nên các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng chuyển đổi số để bắt nhịp. Nắm bắt trào lưu này, công ty của chị đang xây dựng hệ sinh thái số để thông qua các ứng dụng này, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể tự động tương tác, cùng đạt mục tiêu của mình. Công ty sẽ phân phối, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp để họ bắt kịp xu thế hội nhập trong thời đại 4.0.
Hiện nay, cùng với việc xây dựng hệ sinh thái số, công ty đang tìm hiểu thị trường, liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra những ứng dụng tiện ích, phù hợp với từng loại hình kinh doanh, góp phần đưa sản phẩm của doanh nghiệp tới tay người tiêu dùng nhanh chóng. Chị tin khi việc chuyển đổi số này được ứng dụng, doanh nghiệp sẽ thấy những hiệu quả tức thì. Từ việc quản lý bán hàng, phân phối sản phẩm, theo dõi tình trạng tiêu thụ sản phẩm và những phản hồi từ khách hàng…, ngay lập tức nhà quản lý có thể nắm bắt thông qua ứng dụng số. Và một shopee Tuyên Quang, hay Amanzon Tuyên Quang là hoàn toàn có thể để người sản xuất và người tiêu dùng có thể trải nghiệm.
Nhận xét về lĩnh vực kinh doanh mới này, anh Vi Thế Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số là lĩnh vực mới nên sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu thì việc có doanh nghiệp của tỉnh tiên phong trong lĩnh vực này là cần thiết. Anh tin tưởng, với các tiện ích từ công nghệ số mang lại, chuyển đổi số sẽ tạo ra những thay đổi căn bản trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Thương trường là chiến trường. Và thương trường thời Covid với hàng loạt những biến cố khó lường đã tôi luyện thêm ý chí, nghị lực cho những phụ nữ khởi nghiệp. Để rồi, vào lúc khó khăn nhất, họ thực sự là những bông hồng đầy gai góc để chèo lái con thuyền vượt sóng; và khi hái quả ngọt, họ trở về là chính mình - một bông hoa sắc thắm tỏa hương cho đời.
Gửi phản hồi
In bài viết