Ông Trần Văn Dự, Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán cho biết, xã có 11 thôn, 1.437 hộ với 6.059 nhân khẩu. Năm 2023, xã có kế hoạch giảm nghèo 173 hộ chiếm 12%. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo.
Xã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của Đảng và nhà nước về công tác giảm nghèo sâu rộng ở địa phương. Đồng thời, xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện ưu tiên, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước; khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tập trung tham gia các mô hình phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, trồng các cây ngắn ngày phù hợp tại địa phương, nhằm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà con nhân dân thôn Cây Dừa, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) trao đổi kỹ thuật trồng dưa chuột bao tử.
Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phối hợp với các đơn vị được phép tuyển lao động đi xuất khẩu tư vấn để người dân lựa chọn thị trường mới tiềm năng phù hợp với khả năng của bản thân và gia đình.
Anh Hoàng Văn Bảo, Trưởng thôn Cây Dừa cho biết, thôn có 140 hộ với 721 nhân khẩu, 90% là đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đầu năm 2023 thôn có 29 hộ nghèo, cuối năm giảm còn 11 hộ, để có được kết quả như vậy, chi bộ đã cùng với các đoàn thể tuyên truyền cho bà con thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân dám nghĩ, dám làm, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt.
Thôn liên kết, phối hợp với hợp Công ty Đồng Xanh, tỉnh Hưng Yên tổ chức cho 25 hộ trồng hơn 2 ha dưa chuột bao tử; phối hợp với HTX Khương Đình – Hà Nội, trồng 7 ha ớt với gần 80 hộ dân trong thôn tham gia. Có nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây liên kết cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Dung trồng mô hình dưa chuột bao tử; Đỗ Thị Thu Phượng, Hoàng Văn Dũng thực hiện mô hình trồng ớt; bà La Thi Vui làm tăm tre…
Gia đình anh Nịnh Văn Viên, thôn Cây Dừa, có 5 nhân khẩu, là gia đình thuộc diện hộ nghèo 4 năm nay do thiếu vốn, thiếu phương thức sản xuất. Anh đã được hỗ trợ một phần phí điện sinh hoạt. Đặc biệt anh được xã hỗ trợ vốn 10 triệu đồng cho gia đình mua trâu vỗ béo. Cùng với đó xã cũng giới thiệu cho gia đình chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi đối với hộ nghèo. Nhờ đó năm 2023 gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.
Anh Võ Văn Minh, thôn 11 cho biết, nhà có 7 nhân khẩu, trước kia thuộc hộ nghèo của xã. Cuộc sống khó khăn nguồn thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng. Nhờ chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền vận động con cái đi làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, gia đình anh có 3 người đi làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Vợ chồng anh ở nhà phát triển chăn nuôi trâu, bò và trồng 2 sào ớt. Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh đã thoát nghèo.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 42 hộ chiếm 2,9%. Toàn xã có 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98% và trên 2.200 lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; 9 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm.
Xã được quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng công trình đường từ khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm nối với QL2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ; 100% đường trục xã, liên xã là đường nhựa và đường bê tông; 100% đường trục thôn, xóm và gần 90% đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn xã đã hiến 432m2 đất để mở rộng giao thông nông thôn…
Gửi phản hồi
In bài viết