Những bước chuyển mạnh mẽ của ngành Y tế - Bài cuối: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân

-Trong nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành Y tế mất hơn 2 năm phải dồn toàn tâm, toàn lực để phòng chống Covid-19, sau đó lại đối mặt với cơn khủng hoảng hậu đại dịch. Dù vậy, toàn ngành vẫn tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, từng bước nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

>>Bài 1: Chung sức, đồng lòng khống chế dịch Covid-19
>> Bài 2: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân

Bài học kinh nghiệm

Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự thay đổi về cơ chế tài chính... đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Y tế khi vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa duy trì, thực hiện hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Song, với sự nỗ lực của toàn ngành, sự quan tâm, phối hợp của các cấp, ngành, địa phương các đơn vị đã từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu, kinh nghiệm lớn nhất là ngành Y tế đã chủ động kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra; thực hiện tốt công tác giám sát dịch tễ, phát hiện sớm, kịp thời bao vây dập dịch, không để bùng phát thành dịch lớn. Ngành thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng  khó khăn... Đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đảm bảo triển khai tốt các dịch vụ y tế theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; tăng cường hỗ trợ, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật cho y tế cơ sở.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa một ca phẫu thuật.

Các cơ sở từ tuyến tỉnh đến cơ sở không ngừng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai, đem lại lợi ích cho người bệnh. Đặc biệt, việc tham gia khám chữa bệnh từ xa đã kịp thời hội chẩn các trường hợp bệnh khó, nguy kịch, giúp bệnh nhân được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương… Hiện nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh đã triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp. Điều này đã tạo thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT được hưởng quyền lợi ở tất cả hệ thống y tế trong tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh. Hệ thống y tế trong tỉnh luôn kết nối, liên thông đảm bảo hỗ trợ chuyên môn từ trung tâm y tế huyện xuống trạm y tế xã và từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến trung tâm y tế các huyện. Đặc biệt là một số đơn vị như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa đã kết nối với một số bệnh viện tuyến trung ương để khám và điều trị từ xa. Từ đó giúp người bệnh hạn chế việc chuyển tuyến và giảm chi phí điều trị.

Quyết tâm cao, hành động quyết liệt

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành y tế phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 20%; có 10 bác sỹ/10.000 dân; 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Phấn đấu 100% người dân có thẻ BHYT.
Đến nay, chỉ tiêu 10 bác sĩ/10.000 vạn dân đã đạt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, một số chỉ tiêu vẫn chưa hoàn thành như: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể gầy còm (chiều cao/tuổi) vẫn còn 21,6%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã đạt 96,4% và 97% người dân có thẻ BHYT.

Hiện nay, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nhân lực y tế cơ sở, cơ sở vật chất nhiều trạm y tế xã đã xuống cấp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế ở các đơn vị chưa đều, đồng bộ; mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất khó khăn... Việc hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đưa ra đang là vấn đề khó khăn đối với ngành Y tế... Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành y tế xác định phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt trong những tháng cuối chặng đường. Mỗi đơn vị, cán bộ y tế cần chung tay tích cực vào cuộc hơn nữa. 

Đến thời điểm này còn một số chỉ tiêu của Đại hội ngành chưa đạt được. Để đạt được các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đòi hỏi các huyện phải khẩn trương tiếp tục triển khai các hoạt động về phòng chống suy dinh dưỡng, tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng, đặc biệt là các huyện còn tỷ lệ suy dinh dưỡng cao là huyện Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên, Yên Sơn.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hùng Lợi (Yên Sơn) thăm khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã, ngành Y tế tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đầu tư cho y tế cơ sở, tăng cường phối hợp, đầu tư nguồn lực để sửa chữa, xây mới trạm y tế đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất. Đồng thời đề nghị các huyện, thành phố tăng cường giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí theo Quyết định 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế để duy trì các xã đã đạt.

Xác định nhân lực là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, trong nhiệm kỳ này, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến, bảo đảm có 10 bác sỹ và 35 giường bệnh/10.000 dân đến năm 2025 theo lộ trình.

Mới đây ngày 22-10-2024, UBND tỉnh đã có Quyết định số 386/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 05/8/2022 của UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Đề án “Nâng cao năng lực ngành Y tế Tuyên Quang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, kinh phí đào tạo nguồn nhân lực tăng hơn so với trước đó, góp phần phát triển hơn về nguồn nhân lực cho ngành.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm toàn ngành có trên 150 cán bộ được đi học các lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương cử bác sỹ về luân phiên làm việc tại tỉnh; chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh cử bác sỹ, kỹ thuật viên luân phiên giúp đỡ các trung tâm y tế tuyến huyện và chỉ đạo trung tâm y tế tuyến huyện cử bác sỹ luân phiên xuống các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Qua đó, tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sỹ được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật điều trị hiệu quả nhất. Đặc biệt mới đây Bệnh viện Bạch Mai miễn toàn bộ học phí đào tạo cho bác sĩ tỉnh Tuyên Quang theo học các khóa đào tạo tại Bệnh viện Bạch Mai từ nay đến hết năm 2025, với tổng số tiền 6 tỷ đồng. Đây sẽ là cơ hội để ngành Y tế tỉnh cử bác sĩ đi nâng cao trình độ chuyên môn về phục vụ người bệnh.

Những bài học từ nhiệm kỳ qua cùng với chính sách mới của tỉnh và sự nỗ lực quyết tâm lớn, ngành y tế sẽ từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo những bước tiến mới trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong thời kỳ tới.

 

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục