Ra đời từ năm 2013, Kym Việt khởi đầu là một xưởng mỹ nghệ sản xuất từ vải với toàn bộ thành viên sáng lập, điều hành và sản xuất đều là người khuyết tật. Ðược thực hiện bằng bàn tay những người khuyết tật với cách làm thủ công nhưng các sản phẩm vẫn có độ tinh xảo cao, thiết kế đa dạng. Thú nhồi bông Kym Việt là quà tặng cho mọi lứa tuổi, được làm giáo cụ hoặc đồ trang trí. Không ít sản phẩm lưu niệm có tạo hình hiện đại, lồng ghép biểu trưng của các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục-xã hội… rất khéo, không hề thua kém đồ thủ công khác. Với ba cơ sở ở Hà Nội và sắp tới sẽ mở thêm tại thành phố Ðà Nẵng, Kym Việt theo đuổi mục đích nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm do người khuyết tật làm, để khách hàng lựa chọn vì chúng xứng đáng chứ không phải vì lòng thương.
Hầu hết "nghệ nhân" Kym Việt là phụ nữ thuộc cộng đồng người khiếm thính. Vì thế trong khu vực gia công, âm thanh chủ yếu là tiếng máy móc. Những người thợ giao tiếp với nhau và với khách hàng bằng ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ. Mọi khâu từ cắt vải, ráp, nhồi bông, khâu, trang trí… diễn ra khẽ khàng, tỉ mẩn. Trong sự tĩnh lặng đó, lần lượt những món quà đẹp và ý nghĩa được tạo ra, đi đến khắp mọi miền đất nước và ra nước ngoài. Thú nhồi bông Kym Việt đã được chọn tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, mà mới đây nhất là triển lãm thế giới Expo 2020 Dubai (tháng 12/2021). Cùng một số thương hiệu khác, Kym Việt được góp một phần đầy màu sắc kể cho khán giả câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam.
Mỗi món quà đẹp từng đường kim mũi chỉ là kết tinh của sáng tạo và lao động cần cù làm nên sinh kế, trở thành niềm tự hào của tập thể Kym Việt. Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng mùa xuân này, những cô thợ khéo tay của Kym Việt vẫn có việc làm, có lương và thưởng, đủ lo cho bản thân và gia đình. Niềm vui lấp lánh trong ánh mắt và tiếng cười họ, dù là sau lớp khẩu trang.
Chị Hà Thị Mai Hòa, một nhân viên đã gắn bó với Kym Việt bảy năm chia sẻ (bằng ngôn ngữ ký hiệu, có phiên dịch): "Ðược quay trở lại làm việc sau thời gian dài phải ở nhà vì Covid-19, chúng tôi đều rất phấn khởi. Kym Việt giống một gia đình lớn, nơi mọi người cùng chia sẻ yêu thương, buồn vui. Tôi hy vọng có thể làm việc ở đây đến già". Còn với Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 2002, quê Hòa Bình) thì hạnh phúc còn đến từ những tờ giấy nhắn khen ngợi, động viên của khách hàng, khiến cô gái kém may mắn cảm thấy mình được công nhận, rằng người điếc bẩm sinh như cô vẫn có thể làm tốt mọi công việc như bao người khác.
Ðề cao chất lượng sản phẩm và giá trị nhân văn, nguyên liệu sản xuất của Kym Việt tuân theo tiêu chí an toàn cho người dùng và thân thiện với môi trường. Nguồn vải đa dạng từ vải bông, vải bố cho tới lanh, thổ cẩm…, ưu tiên hàng sản xuất trong nước, nhập từ các làng nghề truyền thống. Ruột thú bông còn có cát biển Quảng Bình, gạo rang, thêm vào hương quế Trà My (Quảng Nam), hồi (Lạng Sơn) giúp sản phẩm chống ẩm mốc và tạo mùi thơm tự nhiên, dễ chịu. Gần đây, Kym Việt ra mắt thêm dòng sản phẩm túi xách ứng dụng có thiết kế độc đáo và mang bản sắc riêng, chẳng hạn như in ảnh chân dung ngộ nghĩnh của chủ nhân, được khách hàng phản hồi tích cực. Dù là thú bông trang trí hay túi thời trang, sản phẩm đều chỉn chu, bắt mắt, có hồn, đúng như phương châm của thương hiệu "Sản phẩm thay lời nói".
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kym Việt Phạm Việt Hoài, từ năm 2020, Kym Việt đón nhiều lượt tới tham quan, uống cà-phê, mua quà lưu niệm, kết hợp tua du lịch thăm làng lụa Vạn Phúc (Hà Ðông). Mô hình này được xây dựng trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, nhưng bước đầu đã được đón nhận và cho thấy tiềm năng phát triển bền vững. Một số trường học đề nghị liên kết, hoặc các phụ huynh tự đưa con tới đây học làm đồ thủ công, làm quen ngôn ngữ ký hiệu. Khi du lịch phục hồi, Kym Việt sẵn sàng để kết nối với các tua tuyến trải nghiệm, khám phá Hà Nội.
Khi giới thiệu bộ sản phẩm linh vật Hổ Cường Trí đón xuân Nhâm Dần 2022, vừa giành giải nhì cuộc thi thiết kế tại Hội chợ quốc tế quà tặng và hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội Gift Show 2021, anh Phạm Việt Hoài rất hãnh diện và lạc quan. Là một người khuyết tật vận động, di chuyển bằng xe lăn, anh thấu hiểu những khó khăn, trở ngại người khuyết tật gặp phải khi lao động, học hành. Mong ước của anh cùng toàn thể nhân viên không chỉ là tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật, mà còn góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, rằng họ không đáng thương hại hay là gánh nặng cho xã hội, họ cũng có khát vọng lao động, cống hiến bằng những sản phẩm, dịch vụ được chấp nhận. Ở Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người điếc, là một lực lượng lao động tiềm năng. Hiện tại, Kym Việt đang nỗ lực chuyển đổi số doanh nghiệp, triển khai việc sáng tạo ứng dụng thông minh chuyển ngữ (ngôn ngữ ký hiệu sang tiếng nói và ngược lại) để xóa bỏ những rào cản giữa người điếc với cộng đồng. Anh Hoài có tham vọng tạo ra sản phẩm thú nhồi bông kết hợp công nghệ, có khả năng tương tác để hỗ trợ người học tiếng Anh...
"Kym" trong từ "kim khâu", "Việt" trong tên Tổ quốc Việt Nam, Kym Việt không cầu kỳ hoa mỹ, chỉ đơn giản là ước vọng đem tinh hoa nghề thủ công Việt Nam từ một cộng đồng nhỏ lan xa. Từ đôi tay chăm chỉ và khát khao mãnh liệt, họ đã và đang vượt lên hoàn cảnh đặc biệt, để đón mùa xuân mới với bao tự hào, hy vọng.
Gửi phản hồi
In bài viết