Những giờ chào cờ ý nghĩa

- Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thời gian qua nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đổi mới tiết chào cờ đầu tuần. Mỗi tiết sinh hoạt dưới cờ sẽ trở thành một tiết học trải nghiệm thú vị, bổ ích, rèn kỹ năng mềm cho học sinh, giúp học sinh có tâm thế thoải mái nhất trước khi bắt đầu một tuần học mới.

Tiếng trống trường báo hiệu giờ chào cờ ngày thứ 2 đầu tuần, thầy cô giáo và 497 em học sinh trường Tiểu học Minh Quang (Hàm Yên) khẩn trương ổn định chỗ ngồi, nghiêm túc thực hiện theo nghi thức. Trong giờ chào cờ đầu tuần, ngoài nghe lớp trực tuần, Liên đội đánh giá các hoạt động của trường, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tuần qua, triển khai nhiệm vụ tuần tới… chỉ khoảng 10 phút, còn lại là thời gian để học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa theo từng chủ đề. Cô giáo Bùi Thị Mai, Tổng Phụ trách Đội cho biết, từ năm học 2019 - 2020, Liên đội thực hiện đổi mới nội dung, hình thức tổ chức giờ chào cờ theo hướng ngắn gọn, nghiêm túc… Còn lại thời gian dành để cho hoạt động ngoại khóa chiếm khoảng 20 - 30 phút trong tổng số 45 phút chào cờ. Từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch tổng thể với chủ điểm của từng tháng, như: mừng sinh nhật Bác Hồ, phòng tránh bạo lực học đường, chào mừng Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3; Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12; mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp; ngoại khóa tuyên truyền pháp luật; an toàn giao thông; phòng chống ma túy… Tiết sinh hoạt dưới cờ sẽ tạo sự hào hứng, không khí vui tươi, ấn tượng, thu hút học sinh tham gia, mang tính giáo dục cao, tạo cho học sinh một tâm lý phấn khởi bước vào tuần mới thoải mái. Đây cũng là dịp để học sinh học hỏi thêm được nhiều kiến thức bổ ích đồng thời giáo dục học sinh về cách nhìn nhận, nhận diện những điều hay, điều đẹp và cả cái xấu, tốt trong cuộc sống.

Một buổi sinh hoạt dưới cờ của các em học sinh trường THCS Hợp Thành (Sơn Dương).

Bám sát chủ đề của từng tháng, mỗi lớp trực tuần lại chuẩn bị, tập luyện, biểu diễn các tiết mục đặc sắc khác nhau. Em Nguyễn Ngọc Bảo Hân, lớp 8A, trường THCS Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nói, dù không chuyên nghiệp như các anh chị lớp trên, nhưng hội em cùng có nhiều cách làm hay, đầy sáng tạo để những tiết chào cờ mang đến nhiều hứng khởi cho các bạn. Có một giờ chào cờ, lớp em chuẩn bị một tiết mục hát múa Nơi đảo xa theo chủ đề của trường “Hướng về biển đảo quê hương”. Trước đó em và đội văn nghệ của lớp đang cùng nhau tập luyện vào các buổi chiều. Em nghĩ đây là tiết mục để lại nhiều cảm xúc, được các bạn trong trường cổ vũ nhiệt tình, các thầy cô giáo đánh giá cao. Qua đó, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, biết ơn những người lính hải quân đang từng ngày vững vàng tay súng để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Không chỉ được ngồi xem mà các em còn có cơ hội được trực tiếp tham gia, đóng góp những ý kiến, bày tỏ nguyện vọng, thể hiện sự hiểu biết của mình. Nhờ đó, các buổi sinh hoạt dưới cờ đã trở thành hoạt động có ý nghĩa với mỗi em học sinh. Em Đỗ Văn Cương, lớp 10A1, trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang) phấn khởi nói, em thấy buổi chào cờ của trường ngày càng sinh động và hấp dẫn, lôi cuốn em với các bạn qua những câu hỏi đố vui, văn nghệ hay những hoạt động, tiết mục khen thưởng thầy cô giành cho học sinh, tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái hơn để bắt đầu một tuần học mới tốt hơn. Tiết chào cờ ở trường thực sự đã trở thành một giờ học lý thú, một buổi sinh hoạt hấp dẫn, nhẹ nhàng mang lại nhiều hứng thú cho chúng em.

Việc đổi mới tiết sinh hoạt dưới cờ trong các trường học không chỉ giáo dục cho học sinh truyền thống, lòng tự hào dân tộc, khơi dậy ý thức, trách nhiệm trong rèn luyện, học tập mà còn tạo sân chơi bổ ích để giúp các em rèn luyện, tự khẳng định mình trước mọi người, thêm phấn khởi, vui tươi mỗi ngày đến trường với tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”.               

Bài, ảnh: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục