Nơi ươm mầm thiện

- Trại tạm giam Công an tỉnh hiện quản lý 30 phạm nhân có án phạt từ 5 năm trở xuống. Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết, hơn 17 năm trong nghề anh nhận thấy, muốn cảm hóa, giáo dục một con người phải hiểu được lai lịch, đặc điểm, tâm lý của họ để có biện pháp giáo dục phù hợp, có như vậy mới tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong họ. Anh luôn hướng cho họ nhận thức, suy nghĩ và hành động, tự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm trong cải tạo để sớm được trở về với gia đình.

Thiếu hiểu biết về pháp luật, lại bị đồng tiền “che mắt” nên phạm nhân Hoàng Tuấn Tài, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài, bị bắt và phải chịu án phạt tù 5 năm. Tưởng chừng cuộc đời mình đã hết, thời gian đầu anh này ngại tiếp xúc với mọi người. Nhờ được các cán bộ quan tâm giúp đỡ, tư vấn về pháp luật, dạy nghề chăn nuôi, chia sẻ những đắn đo giải tỏa được tâm lý lo sợ, chán nản. Nhờ đó, phạm nhân Tài đang phấn đấu chấp hành tốt bản án để được đặc xá tha tù trước thời hạn.

Trong số các phạm nhân có người chưa biết chữ, người không có nghề nghiệp, người sợ hãi, kẻ bất cần, người tích cực cải tạo nhưng cũng có kẻ chây ỳ, chống đối. Bởi vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải vừa là một người quản lý, vừa là một người thầy trong nghiên cứu tâm lý tội phạm. Họ thường xuyên phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người phạm tội. Ngoài việc thường xuyên giáo dục phạm nhân, phân trại còn thực hiện giáo dục riêng, giáo dục cá biệt đối với phạm nhân chưa chấp hành tốt nội quy của trại. Đơn vị đã xây dựng tủ sách với hơn 100 đầu sách, báo về pháp luật, kinh tế, thơ văn… để phạm nhân có không gian nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện, giúp họ có thêm kiến thức trong những giờ giải lao.

Phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh tích cực lao động, cải tạo.

Vượt lên những khó khăn, vất vả, niềm vui của những người quản giáo là ánh mắt thân thiện của phạm nhân, là từng ngày thấy những tiến bộ trong họ. Trung úy Nguyễn Thị Mỹ Linh, cán bộ quản giáo chia sẻ, đối với phạm nhân mới chấp hành án, ban đầu chị giảng giải về chế độ, nội quy trong trại, sau đó phổ biến quy định, điểm mới trong Luật Hình sự, Dân sự... Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng được duy trì thường xuyên. Các ngày lễ, Tết, đơn vị tổ chức giao lưu thể thao giữa cán bộ và phạm nhân, đây cũng là biện pháp tốt để giúp phạm nhân giải tỏa tâm lý, thoải mái trong quá trình học tập, cải tạo.

Đối với những phạm nhân sắp mãn hạn tù, Ban Giám thị Trại tạm giam chú trọng tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, định hướng nghề… 5 năm qua, đơn vị đã mở 30 lớp tái hòa nhập cộng đồng cho 900 lượt phạm nhân. Hằng năm, đơn vị còn tổ chức Hội nghị gặp mặt thân nhân gia đình phạm nhân nhằm phối hợp với gia đình phạm nhân trong công tác giáo dục. Nhiều phạm nhân được các cán bộ quản giáo giúp đỡ đã sớm ăn năn, hướng thiện, quyết tâm khi ra trại sẽ chuyên tâm làm ăn bằng chính nghề đã được làm tại đây và không quay lại con đường phạm pháp.

Mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã lấy tình người để cảm hóa, khuyên nhủ phạm nhân nghiêm chỉnh chấp hành án, yên tâm cải tạo. Nơi đây như một “trường học thứ hai” giúp những người đã từng lầm lỗi học lại bài học về đạo đức, pháp luật, khơi dậy những “mầm thiện” trong mỗi con người.     

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục