Các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh đã từng bước nâng cấp đường truyền Internet để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành và phục vụ khám chữa bệnh, gửi thông tin giám định BHYT... Đến nay, 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn đã đầu tư, áp dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh phục vụ người dân. Cùng với đó, các bệnh viện còn trang bị hệ thống lấy số tự động và máy quét thẻ BHYT, tránh tình trạng sai mã thẻ BHYT nên đã phục vụ tốt hơn công tác quản lý khám chữa bệnh bằng BHYT.
Lãnh đạo và bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia ca hội chẩn ngoại khoa với tuyến trên.
Thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế, đến nay 100% đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã đăng ký tham gia đề án. Hiện nay đã có Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa kết nối khám, tư vấn từ xa với tuyến trên.
Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả và giảm chi phí cho bệnh nhân. Bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho biết, việc triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân được tiếp cận tốt với các dịch vụ y tế cao cấp. Đồng thời, giúp đội ngũ y tế cơ sở sớm đưa ra được những chẩn đoán bệnh đúng, chính xác để đề ra các giải pháp kịp thời cứu chữa người bệnh. Thông qua hệ thống này, nhiều bệnh nhân đã được các bác sỹ điều trị qua các phiên hội chẩn trực tuyến, trong đó, có rất nhiều ca bệnh khó được các bác sỹ của trung tâm thực hiện mổ và có hướng điều trị thành công dưới sự hướng dẫn trực tuyến của các bác sỹ có kinh nghiệm ở tuyến trên. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân nhi Phạm Văn Q, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) nhập viện với tình trạng đau tức ngực trái, đau âm ỉ liên tục, đau tăng khi vận động, kèm theo khó thở nhẹ, sốt nhẹ 3 ngày từng cơn, gầy sút 3 kg trong vòng 1 tháng… Nhận định ca bệnh khó, kíp trực tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa đã tiến hành hội chẩn trực tuyến với đầu cầu Bệnh viện Bạch Mai qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Sau hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân được chẩn đoán là do ăn cua đá nướng bị nhiễm sán, bệnh nhân sau ăn bị nhiễm sán lá phổi. Sau hội chẩn bệnh nhân được điều trị theo hướng tiêu diệt sán lá phổi, đến nay sức khỏe đã ổn định trở lại.
Đối với các y, bác sỹ làm việc tại tuyến cơ sở, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động chuyên môn. Gần 20 năm gắn bó với công tác y tế cơ sở, bác sỹ Đặng Thị Thơ, Trưởng Trạm Y tế xã Bình An (Lâm Bình) chia sẻ, trước kia, cán bộ ở trạm phải mất rất nhiều thời gian ghi chép sổ sách nhưng từ khi triển khai phần mềm quản lý thông tin y tế cơ sở, trạm đã từng bước xóa bỏ các loại sổ sách và báo cáo giấy truyền thống. Vì thế, cán bộ của trạm có nhiều thời gian hơn dành cho hoạt động chuyên môn hơn.
Với nền tảng phát triển công nghệ thông tin mà các đơn vị y tế đã triển khai, áp dụng góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, mang lại những lợi ích thiết thực cho bệnh nhân.
Gửi phản hồi
In bài viết