Mất cân bằng
Đã qua rồi thời kỳ công chúng lo ngại phim ngoại lấn át phim nội, bởi phim Việt ngày càng xác lập chỗ đứng vững chắc. Nhiều phim truyền hình dài tập như “Hương vị tình thân”, “Cây táo nở hoa” đạt hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội YouTube. Khán giả theo sát diễn biến, xem và bình phẩm sôi động trên mạng. Ủng hộ phim Việt nhưng khán giả không khỏi phân vân vì sự nghèo nàn về đề tài.
Điểm danh loạt phim giờ vàng, dễ thấy tất cả phim Việt đều xoay quanh chuyện gia đình. “Hương vị tình thân” (dự kiến dài 100 tập, phát sóng vào 21h thứ hai đến thứ sáu hằng tuần trên VTV1) kể về hành trình cô gái Phương Nam (Phương Oanh) đi tìm cha mẹ ruột, đan xen với chuyện gia đình của các tuyến nhân vật trong phim. Cùng với đó là hai phim thay nhau chiếu vào khung giờ 21h40 trên VTV3 gồm “Mùa hoa tìm lại” và “Hãy nói lời yêu”. “Mùa hoa tìm lại” là chuyện gia đình, tình yêu và tình bạn ở phố huyện thời đô thị hóa. “Hãy nói lời yêu” xoáy vào sự va đập giữa cha mẹ - con cái trong gia đình với mâu thuẫn thế hệ, bi kịch của yêu thương sai cách đưa gia đình tới rạn nứt...
Bên cạnh phim giờ vàng trên sóng đài quốc gia, “Cây táo nở hoa” cũng trở thành hiện tượng trên sóng Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ phim dài 70 tập ngay khi lên sóng đã trở thành phim ăn khách, có hàng triệu lượt theo dõi trên YouTube. Phim xoay quanh mâu thuẫn gia đình của 5 anh em, trong đó anh cả Ngọc (Thái Hòa) vì quá bao bọc, chở che cho 4 đứa em nên đánh mất hạnh phúc gia đình...
Thiếu tầm nhìn dài hạn
Nhà thơ, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt lý giải, văn hóa Á Đông chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những nguyên tắc gia đình. Đó cũng là lý do phim truyền hình châu Á nói chung, phim Việt Nam nói riêng vẫn khai thác mảng đề tài này nhiều nhất. Phim có kịch bản Việt hay phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài thì vẫn là mối quan hệ cha mẹ - con cái, mẹ chồng - nàng dâu... Lợi thế lớn nhất của mảng đề tài này chính là không lo thiếu khán giả, đặc biệt với đối tượng khán giả phim truyền hình thường là người già, người nội trợ...
Tuy nhiên, điểm mạnh này cũng là điểm yếu của biên kịch nói chung vì họ không dám khai thác thêm những mảng đề tài khác về nghề nghiệp, xu hướng xã hội, cánh cửa vào đời, vấn đề thời sự nóng bỏng... Khi biên kịch "trú ẩn" trong vùng an toàn của nghề thì về lâu dài họ sẽ đánh mất đi sự sáng tạo cần thiết. Cuối cùng, trong dài hạn, các đài truyền hình sẽ mất dần khán giả vì chỉ quanh quẩn với đề tài gia đình quen thuộc trong khi người xem đã và đang có nhiều chọn lựa tốt hơn trên các nền tảng phim trực tuyến giá rẻ...”, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nêu.
Không “bỏ trắng” mảng đề tài chính luận, đề tài nông thôn, nhưng rõ ràng gần đây phim truyền hình đang thiếu những tác phẩm về đời sống, thân phận nông dân từng gây ấn tượng như “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”... Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận định, sự mất cân bằng về đề tài phim truyền hình bắt nguồn từ việc các nhà đài thiếu kế hoạch làm phim lâu dài, chưa tính toán tỷ lệ hợp lý giữa phim chính luận, giáo dục, giải trí. “Chúng ta không có kế hoạch nên cứ ngồi đấy chờ người ta viết kịch bản nào đó đưa lên, thấy hay thì làm thôi. Ngay các bạn biên kịch, không có ai bảo họ nên viết kịch bản theo tỷ lệ nào, vì thế khó tránh khỏi họ thường hướng tới tính giải trí - thể loại phim dễ ăn khách nhất”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói.
Không thể không nhắc tới thực tế là nhiều đạo diễn, biên kịch trẻ hiện thiếu vốn sống. Nhiều kịch bản phim chính luận, đề tài nông thôn gai góc đều do bàn tay các nhà văn lão luyện thực hiện. Gần đây nhất, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cùng đạo diễn - NSND Khải Hưng, đạo diễn - NSƯT Mai Hiền gây ấn tượng với phim “Sinh tử” về đề tài tham nhũng, tha hóa quyền lực. Để hoàn thành tác phẩm này, ê kíp làm phim ấp ủ 10 năm, kịch bản cũng phải đắn đo, chỉnh sửa không ít để có thể đưa lên màn ảnh. Biên kịch trẻ rõ ràng khó có được bản lĩnh của những người cầm bút dày dặn như thế.
“Phần lớn các bạn ấy quan tâm tới giới trẻ cùng trang lứa nhiều hơn, không có điều kiện tìm hiểu xã hội. Tâm thế của nhiều nghệ sĩ hiện nay vẫn chủ yếu là làm theo đặt hàng, theo yêu cầu để vươn tới sự nổi tiếng dễ thấy ở mảng phim giải trí. Cũng cần nói thêm rằng, điều kiện kinh phí eo hẹp là rào cản đối với khả năng sản xuất phim, vì với số tiền khoán theo tập như hiện nay nếu làm phim ở Hà Nội thì ổn, nhưng vẫn số tiền đó mà khoán đi miền núi thì chết luôn. Vì vậy, các nhà đài cần có kế hoạch cụ thể, phân chia tỷ lệ phù hợp và nhất là đầu tư cho văn nghệ sĩ đi thực tế, kinh phí làm phim cho mảng đề tài khó cần được ưu đãi hơn nữa”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần phân tích.
Gửi phản hồi
In bài viết