Điều đặc biệt nhất là những bức tranh được vẽ theo kiểu polygon, nhìn gần là tranh trừu tượng, nhưng nếu đứng ngắm từ xa, sẽ thấy rõ hình hài, đường nét của những đóa hoa, những con vật ngộ nghĩnh xinh xắn.
Đây là triển lãm cá nhân thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 năm của Nguyễn Thu Thủy, họa sĩ, đồng thời là giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Triển lãm gồm 40 bức tranh được vẽ theo phong cách polygon, trên chất liệu sơn dầu và mix media, tức là sử dụng màu sắc từ các mảnh ghép báo, tạp chí, thậm chí quảng cáo, nhãn hiệu… Những mảnh ghép được sắp xếp để tạo nên bố cục bức tranh, tạo hiệu ứng đặc biệt và khiến người xem thích thú khi ngắm bức tranh ở cả khoảng cách xa và gần. Những mặt cắt hình khối được xử lý theo những dải màu tạo cảm giác như tranh của Thủy được gài vào bên trong một tấm kính ghép được mài đủ màu sắc vui mắt.
Chia sẻ về tên triển lãm, Nguyễn Thu Thủy cho biết, ý tưởng về “Lăng kính của Thủy” bắt nguồn từ thầy Hiệp, một người thầy của chị, là người đã châm lên ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong chị. “Chính thầy đã nói với tôi về chiếc kính vạn hoa và từ đó tôi có ý tưởng đặt tên triển lãm là lăng kính”.
Tự nhận là người đi sau so với rất nhiều họa sĩ cùng trang lứa, chị muốn tìm ra một lối đi khác, và muốn chia sẻ với mọi người góc nhìn cuộc sống qua lăng kính của mình. “Đây là cách nhìn thế giới với sự vui vẻ, nhiều màu sắc, rực rỡ. Đó là năng lượng của tôi, và tôi cũng muốn mọi người nhìn tôi theo cách như vậy”.
Đam mê sáng tác, tràn đầy năng lượng và cảm xúc, Thủy “quăng mình” vào nhiều mảng của mỹ thuật và mảng nào cũng có thành quả rực rỡ, từ đồ họa, điêu khắc, và bây giờ là hội họa. Tháng 12/2021, Thủy từng có một triển lãm cá nhân mang tên “Ghép ký ức”, với các tác phẩm tập trung vào tính nữ, và tái hiện một số tác phẩm kinh điển theo phong cách mới. Đây là triển lãm theo phong cách polygon đầu tiên của chị.
Nếu như “Ghép ký ức” là cái nhìn nội tâm, soi chiếu bên trong bản thân mình, với sự thể hiện tràn ngập tính nữ, thì “Lăng kính của Thủy” lại là cả một thế giới màu sắc rực rỡ, từ cỏ cây hoa lá đến những con vật gần gũi. Nữ họa sĩ cho biết, 40 bức tranh trong triển lãm được sáng tác rải rác từ năm 2019 đến nay, nhưng phần lớn là các bức được vẽ tập trung trong giai đoạn gần đây để phục vụ cho triển lãm. Các tác phẩm ở triển lãm này cũng đa dạng hơn lần trước cả về đề tài và cách thể hiện.
Là một trong những văn nghệ sĩ đến dự khai mạc triển lãm “Lăng kính của Thủy”, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý nhận xét: “Thủy không phải là người thuộc trường phái hoang dã, tức là giàu năng lượng và thường đổ ào năng lượng đó vào tác phẩm của mình, mà vẫn có sự tiết chế. Cách làm của Thủy cũng khá “đương đại”, tức là sử dụng công nghệ và đồ họa, và trên nền tranh sơn dầu, có những mẩu báo in”.
Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, triển lãm lần này là một phần của chặng đường tìm tòi, khám phá nghệ thuật của chị. Ban đầu chị tìm tòi ở góc độ vẽ chân dung, những gương mặt để thể hiện lăng kính của mình, sau đó chuyển sang vẽ cuộc sống tự nhiên. Thu Thủy cho biết, cách vẽ polygon này lâu hơn so với cách vẽ thông thường, và thường phải có phác thảo trước.
“Có thể người xem cho rằng cách vẽ này có sự tính toán và lý trí, nhưng tôi cho rằng kết quả cuối cùng mà người xem cảm thấy được quan trọng hơn là cách mà nghệ sĩ đã tạo ra tác phẩm, bởi vì mỗi nghệ sĩ sẽ có con đường riêng, có những cách thể hiện nghệ thuật của riêng mình. Quan trọng là khi công chúng xem tác phẩm và họ cảm thấy gì” - chị bộc bạch.
Tháng 7, Nguyễn Thu Thủy cũng vừa có một triển lãm nhóm về điêu khắc với Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật tại Bảo tàng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Đất nung, men, lửa… cũng là một đam mê mãnh liệt của chị.
“Chơi” với màu sắc và cũng để khám phá chính bản thân mình, Nguyễn Thu Thủy dường như ngày càng tìm thấy nhiều điều thú vị hơn trên con đường mình đã chọn.
Gửi phản hồi
In bài viết