Niềm vui của bản

- Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Mông có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ các nguồn vốn hỗ trợ đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều đổi thay.

Năm 2021, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thí điểm mô hình “Thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” tại xã Hồng Thái (Na Hang). 35 hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái thực hiện trên diện tích hơn 8 ha. Trong ảnh: Người dân thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái (Na Hang) thu hoạch chè.

 

Xây dựng kế hoạch khôi phục bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên bảo tồn gìn giữ kiến trúc nhà ở; khoanh vùng bảo tồn một số nhà trình tường gắn với xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng. Huyện Lâm Bình đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con phục dựng ngôi nhà trình tường, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các hoạt động văn hoá của người Mông ở xã Xuân Lập (Lâm Bình). Trong ảnh: Ngôi nhà trình tường của anh Giàng Seo Sỳ, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập Lâm Bình đang được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của nhà nước.

 

Thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 do Ủy ban Mặt Trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang phát động, gia đình chị Phùng Thị Siêu, thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm (Hàm Yên) được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà ở, đến nay, gia đình chị đã có chỗ ở ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

 

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 – 2025, 45 hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nà Pin, xã Đà Vị (Na Hang) được sử dụng nước sạch, xây dựng công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân. 

 

Để giúp người dân tiếp cận chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước 25 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) được nhà nước hỗ trợ ti vi, qua đó, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, áp dụng những mô hình tốt, cách làm hay vào phát triển kinh tế của gia đình.

 

Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ. Năm 2022, 20 hộ dân trong thôn đã được nhà nước hỗ trợ 1.200 con gà lai chọi, giúp người dân tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Chị Lý Thị Chi, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) chăm sóc đàn gà lai chọi của gia đình.

 

 Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 16-7-2021 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Trong đó, các nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết đã giúp đồng bào dân tộc Mông có điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. (trong ảnh: Anh Dương Văn Tu, dân tộc Mông, thôn Nà Cào, xã Thượng Nông (Na Hang) chăm sóc đàn trâu của gia đình từ nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.)

 

Thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013 - 2020, đến nay đã hoàn thành 28 công trình cấp điện cho hơn 4.600 hộ thuộc 77 thôn, bản, trong đó có 57 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia của 26 xã trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư trên 950 tỷ đồng. Nâng tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới an toàn, ổn định lên đến 99,7%. ( trong ảnh: Người dân thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) được sử dụng điện lưới Quốc gia, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

 

Với lợi thế về diện tích mặt nước rộng lớn, là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Những năm gần đây, huyện Na Hang đã triển khai nhiều chính sách để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với nguồn vốn, kỹ thuật phát triển thuỷ sản trên vùng lòng hồ thuỷ điện từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Trong ảnh: Người dân trên địa bàn huyện Na Hang phát triển nghề nuôi cá lồng, qua đó, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Mông.