Kết hợp “vắc xin + 5K” trong phòng dịch
Theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của chương trình tiêm phòng vắc xin. Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch, chiến lược tiêm vắc xin là vũ khí “tấn công” quan trọng, là biện pháp phòng bệnh chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng để nhanh chóng vượt qua đại dịch.
Bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Vắc xin có thể được coi là giải pháp căn cơ, lâu dài giúp chúng ta phòng, chống dịch bệnh, tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, “chìa khóa” trong cuộc chiến cam go chống lại Covid-19 không chỉ nằm ở vắc xin mà để đẩy lùi dịch cần thực hiện tổng lực các biện pháp, đó là cách chống đại dịch tối ưu lúc này.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương, lấy thông tin các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin đợt 3.
Thực tế cho thấy, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới và trong nước chưa đáp ứng đủ nguồn cung. Việt Nam vẫn đang tập trung ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu. Riêng với Tuyên Quang, đến nay đã hoàn thành 2 đợt tiêm phòng vắc xin và đang triển khai tiêm đợt 3.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng, trước khi tổ chức các đợt tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng vắc xin như: Hướng dẫn các bước khám sàng lọc, xử lý các phản ứng khi tiêm, cách bảo quản và vận chuyển vắc xin, qua 2 đợt triển khai tiêm vắc xin Covid-19, các cán bộ đã có kinh nghiệm trong quá trình khám sàng lọc để phân loại các trường hợp không đủ điều kiện tiêm phòng. Chính vì vậy mà đến thời điểm này, công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn. Những trường hợp có phản ứng, tai biến sau tiêm đều được lực lượng y tế xử lý kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chánh Văn phòng, Cục Thi hành án dân sự chia sẻ: Do đặc thù công việc, hằng ngày chị tiếp xúc với nhiều người nên khi được ưu tiên tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19, chị rất vui mừng vì biết rằng “vắc xin + 5K” là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Mặc dù đã được tiêm phòng, nhưng chị vẫn luôn thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người… theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình, tiêm vắc xin cho đối tượng ưu tiên đợt 3.
An toàn, đúng đối tượng
Tính đến nay, qua 3 đợt được tiếp nhận vắc xin, tỉnh đã được phân bổ trên 43.000 liều vắc xin, với 3 loại vắc xin phòng Covid-19 là Astrazeneca (trên 17.000 liều), Moderna (trên 20.000 liều) và Pfizer (gần 6.000 liều). So với các đợt tiêm trước, đợt tiêm này được triển khai trên diện rộng, số lượng vắc xin lớn, đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế...
Có mặt tại điểm tiêm Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình, chúng tôi nhận thấy các quy trình tổ chức tiêm chủng ở đây đều tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn như: Bàn khám sàng lọc, trang thiết bị phục vụ tiêm, bình ô xy, phương tiện cấp cứu, nhân lực để xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm… Bác sỹ Ngô Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, huyện, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tốt công tác tiêm chủng phòng Covid-19. Lần này, trung tâm đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các giải pháp giãn cách, bố trí các bàn tiêm, bàn khám phù hợp và chuẩn bị đầy đủ thiết bị cấp cứu. Cán bộ thực hiện tiêm trước đó đã được trang bị kiến thức để triển khai tốt việc tiêm vắc xin mới nhằm bảo đảm an toàn cho người được tiêm chủng. Trong đợt tiêm lần này, huyện Lâm Bình được phân bổ 813 liều vắc xin, trong đó, có 168 liều vắc xin Astrazeneca và 645 liều vắc xin Moderna. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thành tiêm phòng vắc xin trong đợt 3, các trường hợp được tiêm đều an toàn, không có tai biến sau tiêm.
Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hải, cán bộ khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế huyện Na Hang, người được tiêm vắc xin phòng Covid trong đợt này cho biết, chị thường xuyên phải đi lấy mẫu các trường hợp liên quan đến ca bệnh, người về từ vùng có dịch… Mặc dù trong quá trình lấy mẫu chị có mặc bảo hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nhưng nguy cơ lây nhiễm cũng rất cao. Chị rất mừng khi được bảo vệ bằng vắc xin phòng Covid-19. Sau tiêm, chị cảm thấy sức khỏe bình thường, không đau, không sốt và vẫn tiếp tục thực hiện tốt công việc tại đơn vị.
Tại các khu công nghiệp, nơi có rất đông công nhân làm việc, nên việc sử dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch là rất cần thiết, trong đó có việc tiêm phòng vắc xin Covid-19. Anh Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG cho biết, là doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, đơn vị có nhiều mối quan hệ tiếp xúc với đối tác là chủ phương tiện vận tải, đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu, khách hàng trong và ngoài nước… Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh, ngành Y tế, trong đợt này, số cán bộ công nhân viên của công ty được tiêm là 110/750 người.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh kiểm tra vắc xin trước khi chuyển đến các điểm tiêm.
Theo thống kê của ngành Y tế, tính đến hết ngày 1-8 toàn tỉnh đã có gần 20 nghìn người được tiêm vắc xin trong đợt 3, trong đó có 14.105 người tiêm mũi 1; 4.966 người tiêm mũi 2. Đến nay, sau 10 ngày triển khai đã có 8 điểm tiêm đã hoàn thành tiêm vắc xin trong đợt này là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc và 6 Trung tâm Y tế các huyện. Trong quá trình tiêm có gần 100 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm và 2 trường hợp tai biến xảy ra phản ứng độ 3 trong quá trình theo dõi tại cơ sở tiêm. Hiện 1 trường hợp đã được ra viện, 1 trường hợp đang tiếp tục theo dõi tại cơ sở y tế.
Gửi phản hồi
In bài viết