Các ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Khách giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm
Tăng trưởng khả quan
Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 5,47% của toàn hệ thống là mức cao, khi dịch Covid-19 liên tục gây bất lợi cho các địa phương trong suốt hơn 3 tháng qua. Cùng với tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán của toàn ngành Ngân hàng cũng tăng 3,48%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13%. Riêng địa bàn Hà Nội, tính đến ngày 31-7, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 3,955 triệu tỷ đồng, tăng 5,41%; tổng dư nợ 2,362 triệu tỷ đồng, tăng 7,19%. Nợ xấu chiếm 1,9%/tổng dư nợ.
Đáng chú ý, từ ngày 17-5 đến nay, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng. Lãi suất được các ngân hàng áp dụng giảm 0,5-2%/năm, có ngân hàng giảm tới 3%/năm so với mặt bằng lãi suất chung.
Theo Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng trong những tháng đầu năm 2021 giúp đẩy tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung trong nửa đầu năm. Nhờ nền tảng tài chính tốt, các ngân hàng hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tiếp tục là 3 lĩnh vực chính của tăng trưởng tín dụng. Còn lãnh đạo các ngân hàng cho biết, kết quả tăng trưởng tín dụng khá, một phần do các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nên dòng tín dụng không bị gián đoạn ngay trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Về những tháng cuối năm 2021, Vụ Dự báo thống kê nhận định, tín dụng sẽ tiếp tục tăng ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính, ngân hàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, ngân hàng cũng phải chịu những khó khăn từ dịch bệnh. Vì vậy, các ngân hàng phải nỗ lực rất lớn, vừa bảo đảm tăng trưởng cho ngân hàng, vừa bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, song cũng phải thận trọng với nợ xấu.
Chuyên gia ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận, đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực lên hoạt động của các ngân hàng như tín dụng tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro nợ xấu gia tăng. Bản thân các ngân hàng cũng cho rằng, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, khiến nhu cầu tín dụng giảm… Để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng như kế hoạch, các ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn.
Cố gắng đẩy vốn ra nền kinh tế
Đứng trước “cơn bão” của đại dịch Covid-19, ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy vốn ra nền kinh tế, góp phần tăng trưởng tín dụng.
Chẳng hạn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dành 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất từ 4,5%/năm, trong đó 20.000 tỷ đồng dành cho vay trung, dài hạn. Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực nông thôn, Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á (BAC A BANK) triển khai chương trình ưu đãi cho vay từ dự án “Tài chính nông thôn II”. Theo đó, số tiền cho vay tối đa là 75% tổng chi phí và hạn mức cho vay tối đa cũng lên đến 2,3 tỷ đồng cho mỗi tiểu dự án. Thời hạn cho vay dài nhất lên đến 15 năm, mức lãi suất từ 8,45%/năm.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Phạm Thị Trung Hà cho biết, MB sẽ lựa chọn doanh nghiệp gặp khó khăn để có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp. Chẳng hạn khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ưu tiên, khuyến khích tăng trưởng tín dụng, MB giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại. Khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động hoặc đầu tư thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh được giảm lãi suất 1%/năm so với mức hiện tại… Riêng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, MB chưa xem xét giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện nhiều ngân hàng cũng nhận định, ngân hàng - doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Đỗ Tuấn Anh cho rằng, năng lực về vốn, công nghệ của ngân hàng rất quan trọng, giúp ngân hàng tồn tại, phát triển và sẵn sàng thích ứng với diễn biến thực tế.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến nền kinh tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, trong đó ưu tiên tập trung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết