Nỗi lo của người nuôi cá lồng ở Vân Sơn

- Từ tháng 5 đến nay, khi mưa bão và nước lũ từ thượng nguồn đổ về liên tục, các hộ nuôi cá lồng trên sông Lô đứng ngồi không yên vì nỗi lo cá chết...

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng dọc bờ sông Lô, đoạn qua thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn (Sơn Dương) đã trở thành kế sinh nhai của nhiều hộ dân nơi đây. So với làm ruộng, trồng ngô, sắn... nghề nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao hơn nhiều. Thế nhưng, hồi tháng 5-2022, các khu vực trong tỉnh mưa to, gây lũ lớn trên sông Lô đã làm cho nhiều lồng cá của các hộ dân xã Vân Sơn bị chết, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng.  Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2022 tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khiến việc nuôi cá lồng bè của người dân đối diện với nhiều rủi ro.

Các hộ nuôi cá lồng ở xã Vân Sơn (Sơn Dương) kiểm tra, vệ sinh lưới lồng tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi.

Tận dụng diện tích mặt nước sông chảy qua địa bàn, gia đình ông Lê Văn Giáp, thôn Mãn Sơn đầu tư 12 lồng nuôi cá riêu hồng, lăng, trắm, rô phi. Nghề nuôi cá trên sông đã đem lại thu nhập, hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng trên sông có nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão vì nguy cơ vỡ lồng, nước sông ô nhiễm. Ông Giáp cho biết, đợt lũ hồi tháng 5 vừa qua, nước lũ về quá nhanh, khiến 6 lồng cá của ông Giáp bị chết, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Thời điểm này, gia đình ông đã chuẩn bị đầy đủ phương án tránh lũ. Ông Giáp gia cố lồng nuôi, công trình phụ trợ có khả năng chịu ảnh hưởng của bão gió, mưa lũ; đầu tư mua lưới mới thay những tấm lưới cũ, rách. Khi dự báo thời tiết có bão lớn, gia đình sẽ khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, di dời lồng, bè nuôi đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm môi trường sống tốt cho cá, để tránh dịch bệnh.

Những năm gần đây, vào mùa mưa lũ là thời điểm cá hay chết nhiều nhất. Điều này khiến người dân càng thêm lo lắng. Ông Hoàng Minh Đô, thôn Mãn Sơn cho biết, để bảo vệ 30 lồng cá, ông Đô rất vất vả và tốn kém chi phí để vét bùn và di chuyển lồng vào khu vực an toàn sau mỗi trận mưa lũ. Để giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão, ông Đô đã chủ động kiểm tra, gia cố lại lồng bè, chuẩn bị sẵn sàng lưới quây để chống thất thoát cá khi có mưa lớn. Ngoài ra, ông Đô cũng chuẩn bị sẵn sàng máy bơm nước, máy khuấy tạo ô-xy... để sử dụng khi cần điều tiết nước, điều hòa ô-xy trong nước cho cá.

Hiện tượng cá chết trong đợt mưa bão và lũ tháng 5 không riêng của hai hộ ông Giáp và ông Đô mà còn ở nhiều hộ nông dân xã Vân Sơn nuôi cá lồng trên sông Lô. Đồng chí Âu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, nguyên nhân cá chết là do mưa to, nước lũ thượng nguồn mang lượng lớn phù sa đổ về làm thay đổi áp lực dòng chảy và môi trường nước. Sức ép dòng chảy cộng với độ đục trên sông cao khiến đàn cá bị ngạt. Thêm vào đó, nhiều chủ hộ nuôi cá lồng còn hạn chế về kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá lồng khi thời tiết diễn biến bất thường.

Thời gian qua, nghề nuôi cá lồng đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương có dòng sông Lô chảy qua và cho thu nhập cao. Do vậy, nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng. Đến nay, toàn xã có hơn 10 hộ nuôi với trên 100 lồng nuôi cá trên sông. Thực tế, đây không phải lần đầu người nuôi cá lồng đối mặt với tình trạng cá chết do mưa bão và lũ. Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông hiệu quả, bền vững, người nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ứng phó, thích nghi, nhất là trong mùa mưa, lũ, bão. 

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, để giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ, bão gây ra, khi thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi chậm, các hộ nuôi cá lồng cần cung cấp ô-xy ngay bằng cách sử dụng máy sục khí tránh hiện tượng phân tầng nước gây thiếu ô-xy tầng đáy; thường xuyên vệ sinh lồng lưới bảo đảm độ thông thoáng dòng chảy. Trong thời gian lũ, bão, phải kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc (đối với lồng lưới cần phải có nắp đậy lồng để tránh cá thất thoát); vệ sinh lồng sạch sẽ và thông thoáng để thoát nước được nhanh. Gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây vỡ lồng. Những nơi có dòng chảy lớn phải dùng những tấm sắt hàn thành hình mũi thuyền chắn phía trước khu lồng bè nuôi cá để ngăn bớt dòng chảy mạnh trực tiếp lên lồng cá nuôi và tránh bị cây gỗ lớn va đập. Cần phải chuẩn bị dự trữ đầy đủ thức ăn tinh và thức ăn xanh cho các đối tượng nuôi, đảm bảo về số lượng và chất lượng, đặc biệt thức ăn tinh không được ẩm mốc; chủ động thu hoạch sớm trước khi mưa lũ tràn về...

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục