Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

- Trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp Hội Nông dân đã khẳng định vị trí, vai trò trong từng thời kỳ lịch sử cách mạng, đồng thời cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân phát huy truyền thống yêu nước, ra sức thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh. Tại Tuyên Quang, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khơi dậy sức sáng tạo và phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới...

Đoàn kết tập hợp, phát triển hội viên 

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 huyện, thành hội, 138 cơ sở hội và 1.678 chi hội nông dân với 117.828 hội viên; bình quân mỗi năm các cơ sở hội kết nạp mới trên 3.000 hội viên. Đồng chí Đào Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phát huy vai trò là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các cấp hội đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết tập hợp, phát triển hội viên, làm cho nông dân có ý thức rõ về sứ mệnh, vai trò chủ thể của mình, là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Cùng với đó, các cấp hội luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng. Đây là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững. Do đó, các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 4.929 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật... cho 317.148 lượt hội viên. Đồng thời, tích cực tham gia liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động phát triển các hình thức kinh tế tập thể... Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 358 trang trại, 588 tổ hợp tác, 549 hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó có trên 300 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả...

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh trao bò cho hội viên nông dân nghèo dân tộc Mông vay bò giống tại huyện Na Hang.

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân, tiêu biểu như mô hình nuôi lợn của ông Hoàng Văn Chung, xã Phú Lương (Sơn Dương) quy mô trên 1.000 con, tổng thu nhập 10 tỷ/năm; mô hình chăn nuôi lợn bằng thảo dược liên kết theo chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến sản phẩm và tiêu thụ của ông Nguyễn Ngọc Sáng, xã Đông Thọ (Sơn Dương) nuôi trên 3.000 con lợn, doanh thu đạt 20 tỷ đồng, trừ chi phí, thu lãi 8 tỷ đồng/năm; mô hình trang trại của hộ gia đình ông Trần Quốc Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) với doanh thu 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 25 lao động...

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2017 - 2022, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã huy động hội viên nông dân đóng góp 18,977 tỷ đồng, trên 78.600 ngày công lao động, hiến trên 47.100 m2 đất, làm mới, sửa chữa được 2.032,4 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 5 nhà văn hóa; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 808 nhà ở cho hội viên nông dân nghèo. Các cấp hội tuyên truyền, vận động người dân phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt tại nguồn; vận hành có hiệu quả các tổ liên kết, tổ tiết kiệm vay vốn giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hội viên nông dân 6.200 tấn phân bón chậm trả, trị giá trên 46 tỷ đồng; quản lý hiệu quả chương trình vay bò, trả bê. Đến nay, tổng số hộ hưởng lợi từ chương trình này là 4.737 hộ, trong đó gần 1.500 hộ thoát nghèo.

Phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã kết nối tiêu thụ gần 600 tấn na, nhãn cho hội viên nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang, Sóc Trăng, Đắk Lắk tiêu thụ trên 10 tấn nông sản... Các cơ sở hội đã tăng cường hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu đối với các sản phẩm nông sản; xây dựng gian hàng trực tuyến, website “Giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản Tuyên Quang”. Đã hỗ trợ hội viên nông dân đưa 44 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm du lịch lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình trồng bưởi của hội viên tại thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn).

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 128 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, có 3 sản phẩm (cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà) được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường; một số sản phẩm nông sản tiêu biểu như cam Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam; chè Shan tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân, cá lăng... được bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng...

Từ các phong trào thi đua, trong những năm qua, đã có 2.022 lượt tập thể, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh được Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Nông dân các cấp biểu dương, khen thưởng. Hội Nông dân tỉnh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020, Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân năm 2019 - 2020; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2021...

Với những nỗ lực chung sức xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 54 xã đã được công nhận nông thôn mới, 8 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và 1 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sáng tạo của hội viên nông dân, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội viên, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân; tạo mọi điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân được học tập, học nghề; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tiếp cận thị trường, nâng cao trình độ, trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục