Nỗi lo phát triển “nóng” chanh tứ mùa

- Cây chanh tứ quý (tứ mùa) cho thu hoạch quanh năm, giá cả lại ổn định nên người dân nhiều xã ở huyện Hàm Yên đã đua nhau trồng. Cả huyện đã lên tới trên 957 ha chanh. Cây chanh vượt đồi, xuống cả đất soi bãi và đất lúa. Khi thấy cây trồng mang lại giá trị, người dân trồng, đó là nhu cầu chính đáng nhưng nếu không có “bàn tay” quy hoạch rất dễ phát triển ồ ạt, cung vượt cầu, dẫn đến thảm cảnh giải cứu nông sản là điều khó tránh khỏi. Bởi thế, thay vì làm theo phong trào, lợi ích trước mắt, hơn ai hết người nông dân cần có cái nhìn xa hơn...

Nhìn xa hơn...

Từ năm 2018 đến nay, giá bán chanh luôn ổn định, như thời điểm hiện nay giá bán tại vườn từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ từ 25 - 30 nghìn đồng/kg. Giá bán cao, nhiều nhà vườn thu lãi lớn.  

Vườn chanh trĩu quả của chị Hoàng Thị Huyền, thôn Khâu Lình, xã Phù Lưu đang mùa thu hoạch. Nhìn những trái chanh căng tròn cảm nhận được niềm vui được mùa của người nông dân. Chị Huyền phấn khởi nói, cách đây 10 năm chị chọn trồng cây chanh tứ mùa khi cả xã đang nô nức trồng cam sành. Nhiều người bảo, sao không trồng cam, nhiều hộ thành tỷ phú từ cam đấy, trong lòng chị cũng phân vân. Nhưng chị đã nghĩ nhiều rồi, nếu ai cũng lao vào cam thì ai mua quả. Cây cam cũng khiến nhiều người khốn đốn, cung vượt cầu, nguy cơ rớt giá lúc nào cũng thường trực. Cây chanh có lợi thế nhất là thu nhiều vụ trong năm, không kén đất, chống chịu sâu bệnh tốt. Sau những phân tích ấy, chị Huyền quyết định gắn bó với cây chanh. Từ 100 gốc chanh ban đầu, chị đã phát triển đến 700 gốc và hiện chanh của chị đã có từ 7 đến 10 năm tuổi. Mấy năm nay, năm nào chị thu lãi 500 triệu đồng từ bán quả chanh.

Anh Nình Văn Thiết, thôn Pá Han, xã Phù Lưu thu hoạch chanh tứ mùa.

Anh Bế Văn Từ, thôn Thọ, xã Phù Lưu có 300 gốc chanh tứ mùa trồng trên đất soi bãi đem lại giá trị kinh tế ổn định cho gia đình anh. Anh Từ chia sẻ, sau một thời gian trồng và chăm sóc chanh, thấy cây chanh có nhiều ưu điểm phù hợp phát triển kinh tế vườn, năm 2016 anh đầu tư gần 100 triệu mua giống, phân bón, thuê nhân công làm đất trồng chanh. Anh Từ phân tích, cây chanh tứ mùa không chỉ cho thu nhập cao, ổn định mà việc chăm sóc cũng khá đơn giản. Người trồng chanh có thể tăng cường bón phân hữu cơ đã qua xử lý để cây sai quả, mã đẹp, mọng nước. Thời gian cho trái chỉ mất 2 năm, đủ 3 năm là bắt đầu thu tiền. Với giá bán tại vườn 15 nghìn đồng/kg, dự kiến thu về hơn 80 triệu đồng tiền bán quả chanh.  

Nhiều hộ dân ở Yên Phú cũng trở thành triệu phú từ trồng chanh. Gia đình anh Lương Văn Hải ở thôn Chiềng có thu nhập 200 triệu đồng từ 170 gốc chanh tứ mùa trên đất soi bãi. Năm 2012, anh Hải đưa cây chanh vào trồng, thổ nhưỡng phù hợp cộng với cách chăm sóc khoa học nên vườn chanh phát triển tốt. Chỉ 2 năm sau bắt đầu cho ra những lứa quả đầu tiên. 5 năm qua, mỗi năm anh thu trung bình 6 tấn quả chanh tươi. Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm chanh tươi cho thị trường, anh Hải còn tổ chức chiết ghép nguồn cây giống có chất lượng để phục vụ nhu cầu phát triển cây chanh tứ mùa của bà con nông dân trên địa bàn xã và các xã vùng phụ cận, thu nhập vài chục triệu đồng một năm. Anh Hải khẳng định, cây chanh không bao giờ mất mùa, lại thu nhiều lần trong năm nên người dân cũng có tiền quanh năm. 

Phát triển “nóng” và giải pháp kiềm chế

Từ hiệu quả kinh tế đem lại, cây chanh tứ mùa đã được nhiều nông dân lựa chọn đưa vào trồng. Toàn tỉnh có trên 1.000 ha chanh thì riêng huyện Hàm Yên lên đến 957,4 ha, trong đó chanh trồng trên đất lúa 249 ha. Hiện, diện tích đang cho thu hoạch 554,2 ha, sản lượng chanh ước đạt khoảng 11.630 tấn/năm, giá trị đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.

Xã Phù Lưu có nhiều chanh tứ mùa nhất huyện Hàm Yên. Chỉ trong 2 năm 2018 - 2019 đất trồng chanh đã tăng gần gấp đôi. Hiện xã có trên 400 ha chanh được trồng ở 24 thôn, nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn Pác Cáp, Họp, Kẽm, Khâu Lình. Trong đó, có 80 ha trồng thay thế cây cam già cỗi, 150 ha trồng trên đất soi bãi, 50 ha trồng trên đất lúa, còn lại là người dân trồng trên đất vườn. Lý giải về cây chanh phát triển “nóng”, đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, cây chanh đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nên nhiều người đổ vào trồng chanh. Có ngày người trồng chanh Phù Lưu bán ra thị trường 100 tấn quả tươi, thu về gần 3 tỷ đồng. Số tiền đó thật “khó cưỡng” trong bối cảnh nhiều loại cây trồng rớt giá thảm hại.


Cán bộ xã Phù Lưu kiểm tra diện tích chanh tứ mùa trồng trên đất lúa tại thôn Pác Cáp.

Người dân xã Phù Lưu cho rằng, cây chanh không mất quá nhiều công chăm sóc mà đem lại cho thu tiền quanh năm, như kiểu có “lương tháng” nên ai cũng thích trồng.

Trong 3 năm qua, xã Minh Dân cũng phát triển trên 100 ha chanh tứ mùa. đồng chí Ma Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cây chanh thực sự là cây có lợi thế vì không kén đất, không “nhõng nhẽo” như nhiều loại cây ăn quả khác, cứ đưa cây xuống đất là lên xanh tốt, cho quả. Đấy là điều hấp dẫn người trồng. Hiện nay, nguồn thu từ cây chanh trên địa bàn xã chỉ đứng sau cây cam, có một số hộ đã phát triển đến hơn 1 ha chanh.  

Cây chanh đang phát triển rất “nóng” ở Hàm Yên, rất cần có sự định hướng, chỉ đạo của chính quyền để tránh những hệ lụy từ việc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” do khủng hoảng thừa.

Đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu khẳng định, trên địa bàn xã nhiều hộ đưa cây chanh xuống đất lúa. Kiểm soát sự phát triển ồ ạt này, từ năm 2020, UBND xã chỉ đạo quyết liệt tuyệt đối không cho người dân sử dụng máy móc xuống ruộng để lập ụ, đào dãy, đặc biệt phá bờ làm mất kết cấu của ruộng. Hộ nào vi phạm sẽ lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với các giải pháp “cứng” cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền hội viên, đoàn viên vận động gia đình không phát triển cây chanh theo phong trào. Bởi, bài học từ phá vỡ quy hoạch từ cây cam sành ở Phù Lưu là bài học nhãn tiền cho nhiều gia đình. 

Nói về giải pháp ổn định cây chanh, đồng chí Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên cho biết, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp kiềm chế phát triển “nóng” cây chanh, không đưa cây chanh xuống đất lúa. Phòng cũng đã hướng dẫn người dân tập trung vào chăm sóc, nâng cao chất lượng, thực hiện liên kết các hộ thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất chanh tứ quý Phù Lưu; nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm tạo thành chuỗi phát triển bền vững. Huyện đã đăng ký chanh quả là sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đồng chí Đàm Ngọc Hưng, vấn đề cốt lõi là người nông dân phải chủ động trong sản xuất, đánh giá nhu cầu thị trường, tuân thủ quy hoạch cơ cấu cây trồng của huyện, không chạy theo phong trào.  Vì cây chanh không phải là cây trồng chủ lực, huyện chỉ xác định là cây trồng có lợi thế, hơn nữa nhu cầu sử dụng không lớn. Vậy nên phát triển ồ ạt sẽ gây ra tình trạng mất cân đối cung cầu, nông dân chính là những người hứng chịu hậu quả.  

Thu nhập từ trồng chanh tứ mùa khá hấp dẫn, cộng với những lợi thế vượt trội từ loại cây trồng này trong chăm sóc và rải vụ. Nhưng tình trạng người dân đua nhau trồng chanh đang khiến cho nguy cơ phá vỡ quy hoạch đang hiện hữu. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh vai trò của chính quyền và cơ quan chức năng thì chính người nông dân phải có cái nhìn xa hơn về nhu cầu thị trường để không nếm trái đắng.

Ghi chép: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục