Mùa vàng bội thu
Chưa vụ sản xuất nào gia đình ông Triệu Văn Tám, thôn Cây Vải, xã Thái Hòa (Hàm Yên) lại thắng lợi như vụ xuân năm nay. Chỉ với gần 4 sào ruộng ông thu trên 1 tấn thóc, tính bình quân đạt trên 2,7 tạ/sào. Ông Tám phấn khởi cho biết, vụ xuân vừa rồi ông làm theo đúng khuyến cáo và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chọn giống phù hợp với đồng đất, thực hiện nghiêm ngặt lịch thời vụ và làm tốt khâu chăm sóc, phòng chống sâu bệnh. Ông Tám phấn khởi hơn khi giá lúa tăng cao, lúa Thái Bình thương lái thu mua tại nhà là 95 nghìn đồng/10 kg, cao nhất từ trước đến nay.
Người dân thôn Nà Vài, xã Thổ Bình (Lâm Bình) được mùa lúa xuân.
Chuyển những bao lúa nặng từ đồng về nhà, ông Nguyễn Bách Cường, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) râm ran niềm vui bên người thân. Ông nhẩm tính, mỗi sào ruộng của gia đình cho thu hoạch 2,8 tạ, đây là vụ lúa bội thu nhất từ trước đến nay. Năm nay dù thời tiết có những bất thuận, song ông Cường thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại đúng kỹ thuật nên lúa tốt, cứng cây, bông chắc. Ông Thắng bảo, phấn khởi lắm, mùa màng bội thu, người nông dân như ông an tâm hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bởi nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ thì được mùa lúa sẽ là điểm tựa lớn.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương khẳng định, bà con nông dân toàn huyện Sơn Dương được mùa chung, ước tính năng suất lúa xuân toàn huyện đạt 62,4 tạ/ha, bằng 101,9%; sản lượng 31.875 tấn, đạt 105,6% kế hoạch, bằng 101,6% so với vụ trước.
Các loại cây trồng khác như ngô, đậu đỗ, rau màu, cây công nghiệp, bà con cũng chung niềm vui được mùa. Ông Hà Doãn Hộ, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) khoe, ngô sinh khối của gia đình vụ này đạt năng suất kỷ lục, khoảng 2,2 - 2,3 tấn/sào, tăng 0,3 - 0,4 tấn/sào so với vụ trước. Với giá thu mua của các trang trại bò sữa là 820 nghìn đồng/tấn, mỗi sào gia đình ông Hộ thu về trên 1,8 triệu đồng/vụ. Để có được thành quả như vậy, ông Hộ đã chủ động liên kết với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tham gia mô hình trồng ngô sinh khối bằng giống ngô lai do Viện cây lương thực, thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung ứng.
Các loại cây lương thực vụ xuân năm nay còn ghi nhận được giá nhất từ trước đến nay, hiện tại giá lúa, ngô hạt thương phẩm, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc tăng từ 5 - 10% so với năm 2020. Đến thời điểm này, may mắn chưa xảy ra mưa, dông, lốc ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cũng như thất thoát sau thu hoạch. Những con số trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh không chỉ đáp ứng cao về an ninh lương thực mà còn dôi dư phát triển ngành chăn nuôi, phục vụ công nghiệp chế biến.
Nhận định rõ những khó khăn
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại có thể kết luận vụ xuân 2021 đã thắng lợi toàn diện. Về diện tích, toàn tỉnh gieo cấy là 19.117 ha, đạt 102,5 % so với kế hoạch, trong đó lúa chất lượng đã tăng đột biến, với 5.399 ha, chiếm 28,3% tổng diện tích gieo cấy lúa, tăng gấp 2 lần so với vụ xuân năm trước; cây ngô gieo trồng được 8.244,8 ha, đạt 104,5% kế hoạch, trong đó trên 4.000 ha liên kết; cây lạc đạt 3.326,5 ha, bằng 101,1% so với vụ xuân năm trước... Năng suất lúa bình quân ước đạt 60,2 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ xuân năm trước; năng suất ngô ước đạt 46,2 tạ/ha. Sản lượng lúa ước đạt 115.103 tấn, đạt 101,3%; sản lượng ngô ước trên 38.000 tấn, đạt 100% so với kế hoạch...
Người dân xã Kim Phú (Tp Tuyên Quang) thu hoạch lúa xuân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định, sản xuất vụ xuân thắng lợi đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Khi chưa bước vào vụ sản xuất, tỉnh đã nhận định những khó khăn về giá vật tư, phân bón tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng; thời tiết bất thuận, nhiều loại hình thiên tai có thể xảy ra ảnh hưởng xấu đến sản xuất. Nhìn rõ những khó khăn nên tỉnh, ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp, trọng tâm là gieo trồng trong khung thời vụ, lựa chọn nguồn giống chất lượng với từng xứ đồng. Ngành Nông nghiệp đã ban hành hàng loạt các văn bản cảnh báo cùng những hướng dẫn người dân phòng trừ các loại dịch hại cây trồng trong từng thời điểm; bảo đảm điều tiết nguồn nước phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Đã có 30 giống lúa các loại được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh trong vụ xuân, tăng 3 loại so với vụ trước; hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp nhất là hệ thống thủy lợi dần hoàn thiện, diện tích làm đất bằng cơ giới hóa tăng cao. Những giải pháp đồng bộ, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện đã làm nên vụ xuân thắng lợi. Đây là tiền đề quan trọng để tạo thêm nguồn lực cho công tác đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh các ngành nghề kinh doanh khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Cha ông ta đã dạy, “Dĩ nông vi bản”, trong mọi hoàn cảnh phải lấy nông nghiệp làm gốc để làm điểm tựa trước những biến cố, cũng như cho sự phát triển mới. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, những cánh đồng 5 tấn một thời nuôi quân ta đánh giặc, giành lại non sông đất nước. Còn giờ đây, với quan điểm của Chính phủ “chống dịch như chống giặc” thì sản xuất nông nghiệp lại càng phải coi trọng, bởi dịch xâm nhập vào các nhà máy làm đình trệ sản xuất kinh doanh. Lương thực dồi dào thực sự là điểm tựa vững chắc cho hoạt động sản xuất khác phát triển khi dịch bệnh được đẩy lùi. Tuyên Quang sẽ phát triển trong giai đoạn tới khi lấy nông nghiệp làm khâu đột phá, điều này là hoàn toàn đúng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, hoạt động thương mại bị đứt gãy.
Gửi phản hồi
In bài viết