Trước đây, dọc theo tuyến đường vào thôn Bản Phán, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) là những cánh đồng mía bạt ngàn. Bây giờ, trên những cánh đồng vẫn còn đó màu xanh, nhưng chủ yếu là của cây ngô, sắn, cây ăn quả… Ông Triệu Văn Vần, thôn Bản Phán bộc bạch, trồng mía rất vất vả, mất nhiều công chăm sóc, thu hoạch lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên thu nhập thấp và không ổn định. Vụ mía năm trước sâu đục thân tàn phá khiến ông phải bỏ không ít chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc mà năng suất vẫn giảm. Với 0,6 ha mía, vụ vừa rồi ông Vần thu được hơn 30 tấn mía nguyên liệu, với giá bán 1.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu về được hơn 10 triệu đồng/năm.
Người dân thôn Trại Mít, xã Hào Phú (Sơn Dương) chăm sóc mía.
Ở cùng thôn Bản Phán, hộ ông Lý Đình Hiển đã chuyển hơn 2 ha đất trồng mía của gia đình sang canh tác ngô và bưởi. Ông Hiển cho biết, sau nhiều năm bán mía liên tiếp chỉ hòa vốn, thậm chí có năm còn thua lỗ nên gia đình quyết định bỏ mía để chuyển sang trồng cây khác dù đã gắn bó với cây mía được hơn 10 năm qua. Hiện không riêng gì ông mà nhiều bà con ở đây đều làm tương tự. Hy vọng tới đây, mô hình chuyển đổi này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây mía.
Ông Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, nông dân ở địa phương đã gắn bó với cây mía từ lâu, cây mía cũng đã mang lại thu nhập đáng kể cho bà con. Tuy vậy, mấy năm gần đây diện tích mía giảm mạnh, mặc dù giá mía ở mức ổn định nhưng cây mía vẫn chưa thực sự có sức cạnh tranh mạnh so với nhiều loại cây trồng khác; chi phí nhân công lao động lớn, trong khi đó giá thuê nhân công ngày càng tăng nhất là công trồng và thu hoạch; nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, do phần lớn lực lượng lao động trẻ nông thôn chuyển dịch vào các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động. Năm 2021, diện tích mía của huyện đạt 220 ha đến năm 2022 giảm chỉ còn 129 ha.
Nói về bài toán ổn định vùng nguyên liệu mía, đồng chí Dương Chí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, chủ trương của xã là duy trì vùng nguyên liệu mía khoảng 8 ha, nhưng đến nay chỉ thực hiện được 1 ha. Việc mở rộng diện tích mía đối với địa phương hiện rất khó, do nhiều yếu tố tác động như thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế cây mía thấp. Khi nông dân thấy có hiệu quả thì họ sẽ phát triển, còn sản xuất liên tục lỗ thì buộc phải bỏ mía, chuyển sang cây trồng khác.
Theo định hướng đến năm 2025, diện tích mía toàn tỉnh sẽ ổn định ở mức 2.500 ha, sản lượng đạt hơn 199.000 tấn/năm. Tuy nhiên, mục tiêu nói trên rất khó thực hiện, bởi diện tích mía tại các địa phương hiện nay không ổn định. Cụ thể, niên vụ năm 2021 - 2022 diện tích mía toàn tỉnh đạt gần 2.400 ha, với sản lượng 130.000 tấn; niên vụ năm 2022 - 2023 diện tích mía giảm còn hơn 2.200 ha, sản lượng ước đạt 165.000 tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Sơn Dương 1.300 ha, Chiêm Hóa 185 ha, Hàm Yên 188 ha, Lâm Bình 310 ha…
Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương cho biết, Công ty có 2 nhà máy chế biến nguyên liệu tại huyện Hàm Yên và Sơn Dương. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất bền vững của nhà máy thì diện tích mía phải ổn định ở mức 4.000 ha, tương đương với sản lượng mía 200.000 - 300.000 tấn/năm. Tuy nhiên, lâu nay doanh nghiệp luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu mía. Hiện nay, với hơn 2.200 ha mía nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50% công suất hoạt động của 1 nhà máy.
Để duy trì ổn định và mở rộng diện tích mía nguyên liệu, giải pháp có tính lâu dài và bền vững được đơn vị đưa ra là củng cố chuỗi liên kết với nông dân một cách đồng bộ từ quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ. Đơn vị đã và đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích người trồng mía như: tăng giá thu mua; tăng định mức đầu tư với diện tích mía trồng mới, trồng lại là 35 triệu đồng/ha và 20 triệu đồng với mía lưu gốc; hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm khác sang trồng mía là 3 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ đất đang trồng cây lâu năm sang trồng mía là 5 triệu đồng/ha. Đối với ban chỉ đạo trồng mía cấp xã, sẽ được hỗ trợ 500 đồng/tấn; ban chỉ đạo trồng mía thôn sẽ được hỗ trợ 1 nghìn đồng/tấn... 100% chương trình làm đất tại các cánh đồng mía đã áp dụng cơ giới hóa. Theo đó, Công ty đã duy trì 11 máy làm đất hỗ trợ bà con vùng nguyên liệu. Với những vùng điều kiện, địa hình không phù hợp, công ty sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để đầu tư làm đất.
Ngoài các chính sách ưu đãi thu hút người trồng mía của doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các địa phương vận động nông dân trồng mía theo diện tích đã quy hoạch, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật trồng mía phù hợp với điều kiện canh tác ở từng vùng, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía, quy trình canh tác và sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo hướng giảm các loại phân vô cơ, tăng các loại phân hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía.
Gửi phản hồi
In bài viết