Ông Hà Xuân Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Hùng Phát, xã Tân Thanh (Sơn Dương)
giới thiệu sản phẩm rượu gạo men lá Hùng Phát.
Cập nhật nội dung website, tận dụng tối đa các công cụ trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm từ mới lạ đã trở thành công việc thường ngày của anh Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang). Nhờ đó, các sản phẩm chủ đạo của HTX như Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá, Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 2 lá, Chè Shan Tuyết Hồng Thái Lộc Trà không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, hội chợ như trước mà vẫn có người biết đến. Anh Phố cho biết, với sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp huyện, các sản phẩm của HTX đưa lên các sàn giao dịch, sàn TMĐT như ocop.snntuyenquang.gov.vn, postmart.vn hay voso.vn, giúp quảng bá sản phẩm của HTX đến với người tiêu dùng khắp cả nước. Từ đầu năm đến nay, đã có 20% sản lượng chè của HTX được tiêu thụ qua sàn TMĐT. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT lớn hơn như alibaba.com để tăng doanh số bán hàng.
Được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh là “tấm vé” mở ra nhiều cơ hội trong tiêu thụ sản phẩm Trà cà gai leo đối với anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Cà gai leo, xã Hợp Hòa (Sơn Dương). Anh Hoàng cho biết, để sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, anh đã bán sản phẩm qua Zalo, Facebook, đồng thời, lập riêng một Website cagaileohophoa.com để tiện cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thay vì mang ra chợ, bán cho thương lái, hiện nay anh chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet là có thể đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Không chỉ đối với HTX Sơn Trà, HTX Cà gai leo Hợp Hòa việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp, HTX nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như sản phẩm Chuối sấy giòn đạt OCOP 4 sao của HTX An Quang ở tổ dân phố Thịnh Tiến, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương). Đơn vị này đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ số để sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP lên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội Zalo, Facebook... Nhờ đó, sản phẩm Chuối sấy giòn không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn được xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Malaysia.
Người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP
tại cửa hàng Tâm Hương (TP Tuyên Quang).
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp, HTX đã đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn TMĐT như: postmart.vn, voso.vn, santmdttuyenquang.gov.vn, ocop.snntuyenquang.gov.vn. Nhiều sản phẩm OCOP như: chè, cam, bưởi, mật ong, gạo, mỳ khô... đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn TMĐT, được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến. Việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm Chương trình OCOP, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị vẫn đang trong giai đoạn bước đầu, diễn ra còn chậm và còn gặp không ít khó khăn.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương Nguyễn Công Thành cho biết, việc tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định để phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nâng cao thu nhập là “bài toán” không đơn giản. Do hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều xã còn chưa phát triển đồng bộ, toàn diện nên ảnh hưởng đến việc kết nối của các chủ thể với khách hàng, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong phát triển OCOP. Năng lực, trình độ của một số chủ thể sản xuất nông nghiệp còn hạn chế về số hóa, công nghệ thông tin.
Mặt khác, các HTX có quy mô nhỏ, chủ yếu là HTX sản xuất kinh doanh theo lối truyền thống nên còn hạn chế nguồn vốn, thường chỉ đáp ứng đủ cho quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuần túy... Nhận diện được những khó khăn khi HTX, người dân tham gia phương thức tiêu thụ sản phẩm khá mới mẻ này, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị tăng cường tập huấn, hướng dẫn các chủ thể của sản phẩm OCOP những kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên các sàn TMĐT; tuyên truyền, nâng cao ý thức của HTX, người dân trong sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm các quy định chất lượng đã cam kết với các sàn TMĐT...
Giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao. Đây là tiềm năng lớn khẳng định thương hiệu, chất lượng nông sản tỉnh nhà. Năm 2022, tỉnh phấn đấu phát triển mới 51 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; nâng hạng sao cho 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; củng cố, nâng cao chất lượng cho sản phẩm đã được công nhận; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; phấn đấu 30% sản lượng nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp (đã có tài khoản bán hàng/gian hàng) được tiêu thụ qua sàn và 70% số hộ được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số. Mục tiêu đến năm 2025, 100% số hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí có tài khoản bán hàng, gian hàng trên sàn TMĐT, triển khai thanh toán điện tử trên sàn TMĐT; 50% sản lượng nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp được tiêu thụ qua sàn TMĐT đối với các loại nông sản trong cao điểm thu hoạch của tỉnh...
Rõ ràng, việc tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT có rất nhiều mối quan tâm cần phải giải quyết. Để hoàn thành mục tiêu trên, các cấp, ngành và doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất phải “chuyển động”, chuyển đổi số từ tư duy, nhận thức đến hành động, tạo nền tảng phát triển kinh tế số nông nghiệp bền vững, bắt kịp với xu thế của thời đại.
Gửi phản hồi
In bài viết