Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thực trạng về loại hình kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh? Nguyên nhân dễ xảy ra cháy nổ tại các cơ sở này?
Thượng tá Đỗ Văn Hạnh: Toàn tỉnh hiện có 210 cơ sở kinh doanh karaoke đều thuộc thẩm quyền quản lý của Công an cấp huyện, UBND cấp xã. Các quán karaoke ở tỉnh ta đa số đều có quy mô nhỏ lẻ, là nhà ở kết hợp kinh doanh karaoke… Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên khi đi vào hoạt động, các cơ sở phải đáp ứng những điều kiện về an toàn PCCC (trang bị phương tiện PCCC tại chỗ, có lối thoát nạn…). Vì vậy, các cơ sở karaoke đều đã được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Đỗ Văn Hạnh.
Thực tế, quán karaoke luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao bởi nhiều nguyên nhân. Cụ thể, để đáp ứng yếu tố cách âm không ảnh hưởng đến những nhà lân cận, các phòng hát được làm từ nhiều vật liệu dễ cháy như: Tường nhiều lớp bằng mút, xốp, cao su… không may xảy ra cháy thì tốc độ lây lan cực nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Cùng với đó, phòng hát được trang bị nhiều thiết bị điện từ loa công suất lớn, điều hòa, hệ thống mạng điện chằng chịt… Nếu chỉ cần chập cháy một thiết bị nào đó không được phát hiện, xử lý sớm thì hậu quả sẽ khôn lường.
Do đó, việc chủ cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, thay thế thiết bị hỏng, dây dẫn kém sẽ giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn. Bên cạnh đó, khách hàng khi đến hát karaoke thường có thói quen hút thuốc lá trong phòng hát chỉ một sơ ý nhỏ gạt tàn thuốc lá, vứt đầu điếu thuốc còn cháy không đúng quy định cũng có thể gây cháy.
Phóng viên: Công tác kiểm tra của lực lượng chức năng nhằm phát hiện xử lý nghiêm vi phạm, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót là giải pháp quan trọng trong PCCC tại các quán karaoke. Xin đồng chí cho biết, công tác này được thực hiện như thế nào?
Thượng tá Đỗ Văn Hạnh: Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn có quy mô nhỏ, theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, lực lượng chức năng chỉ được kiểm tra 1 lần/năm. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với chủ cơ sở và người làm việc tại quán karaoke (với cơ sở có thuê thêm người làm) có thời hạn 5 năm (tức là 5 năm chủ cơ sở, người làm mới phải huấn luyện PCCC lại).
Hàng năm, chủ cơ sở và người làm việc phải được bồi dưỡng nghiệp vụ bổ sung về PCCC. Tuy nhiên, khó khăn là các cơ sở karaoke có thuê thêm người làm chủ yếu là lao động thời vụ, thay đổi người liên tục dẫn tới việc cập nhật kiến thức về PCCC nhiều khi chưa kịp thời. Cùng với đó, lực lượng chức năng khó có thể tổ chức riêng tập huấn PCCC cho đối tượng này mà phải chờ bố trí ghép cùng nhiều đối tượng khác nên sẽ mất thêm thời gian.
Về những điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở khi lực lượng chức năng kiểm tra đa số cơ sở chấp hành đầy đủ, cụ thể: Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, bình chữa cháy xách tay, biển báo, nội quy PCCC, lối thoát hiểm... đều bảo đảm theo quy định. Mỗi lần kiểm tra, lực lượng Công an đều kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn, cập nhật thêm kiến thức về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho từng cơ sở. Tuy nhiên, do quy định kiểm tra 1 lần/năm nên dễ dẫn tới sự lơ là, chủ quan của chủ cơ sở đối với công tác PCCC.
Lực lượng Công an toàn tỉnh triển khai đợt tổng kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke từ ngày 10- 8 đến hết ngày 20- 9.
Hiện nay, chế tài xử lý đối với cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng Công an các cấp đã kiểm tra phát hiện xử lý 17 cơ sở với tổng tiền phạt trên 9 triệu đồng. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng thì vai trò, nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc duy trì thường xuyên, chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC là yếu tố quyết định trong phòng, chống cháy, nổ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, của UBND tỉnh, đơn vị đã tham mưu cho Công an tỉnh ban hành kế hoạch tổng kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn tỉnh từ ngày 10- 8 đến hết ngày 20- 9. Tính đến ngày 12-9-2022, lực lượng Công an các cấp đã kiểm tra được 101 lượt cơ sở. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở giúp họ hiểu và coi trọng làm tốt công tác PCCC theo phương châm “bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) cũng chính là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính gia đình mình.
Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã kiến nghị các cơ sở phải chấp hành nghiêm các quy định an toàn về PCCC như: Thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống điện; bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ; phối hợp tổ chức công tác tập huấn nghiệp vụ và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Từ đó giúp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn cho lực lượng cơ sở, để chủ động xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ ngay từ đầu, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh phối hợp với cơ sở kinh doanh Karaoke No92, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Phóng viên: Đồng chí có những khuyến cáo, hướng dẫn người dân cách phòng cháy và kỹ năng cần thiết gì khi xảy ra cháy?
Thượng tá Đỗ Văn Hạnh: Trong xu thế phát triển chung, người dân có thể dễ dàng theo dõi, tự trang bị kiến thức về PCCC, kỹ năng cần thiết khi xảy ra cháy nổ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử chính thức của ngành Công an.
Về cách phòng, chống cháy, nổ: Người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu, nơi dễ sinh nguồn nhiệt; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Các gia đình phải thường xuyên kiểm tra, thay thế thiết bị điện hỏng, dây dẫn kém và lắp đặt thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn. Chú ý khi sử dụng thiết bị điện công suất lớn như: Bàn là, bếp điện hoặc khi khi đun nấu, thắp hương… phải có người trông coi. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas.
Các gia đình cần trang bị phương tiện chữa cháy và dự kiến phương án thoát nạn an toàn khi không may xảy ra cháy. Trường hợp xảy ra cháy cần bình tĩnh báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết và tìm cách thoát ra vị trí thông thoáng, an toàn nhanh nhất. Đồng thời, gọi điện báo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ qua số 114.
Trường hợp phát hiện sớm, ngọn lửa chưa kịp cháy lan phải nhanh chóng sử dụng phương tiện tại chỗ để dập tắt đám cháy, chống cháy lây lan. Khi đám cháy đã lan rộng không được trú ẩn ở các khu vực khuất kín (nhà vệ sinh, tủ quần áo…), khi di chuyển thoát nạn cần dùng khăn, vải ướt che miệng, mũi và hạ thấp cơ thể để tránh hít phải khói khí độc. Đặc biệt, khi phải băng qua lửa cần lấy chăn, mền ướt chùm kín cơ thể…
Xin cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi
In bài viết