Những điểm sáng
Đều đặn hàng ngày, bà Phạm Thị Vân, thôn 2 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) phân từng loại rác để xử lý. Theo bà Vân, vỏ hoa quả, cọng rau, dưa sau khi nhặt làm thức ăn, bà đều gom lại thái nhỏ phối trộn với thức ăn để chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng, đây cũng là nguồn thức ăn thô xanh bổ sung dinh dưỡng cho vật nuôi. Đối với rác thải nhựa như chai, lọ cũng được bà Vân gom lại rồi bán cho người thu gom phế liệu. Những túi nilong còn lành lặn bà Vân cũng giặt sạch, hong khô để tái sử dụng lại khi cần thiết. Bà Vân khẳng định, nhặt nhạnh, phân loại rác, đỡ tốn kém tiền mua rau xanh trong chăn nuôi, hơn nữa sạch nhà, hạn chế rác thải ra môi trường, vài ngày gia đình bà mới phải đổ rác 1 lần.
Đoàn thanh niên huyện Sơn Dương thực hiện chương trình đổi rác lấy cây xanh.
Giống như bà Vân, ông Nguyễn Văn Quang, chủ trang trại cây ăn quả hữu cơ xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cũng gom tất cả các loại vỏ hoa quả như cam, bưởi, chuối đổ vào thùng nhựa để lên men. Ông Quang chia sẻ, nhà nông phế phẩm từ nông nghiệp không xử lý đúng cách cũng làm ô nhiễm, phát sinh ruồi, muỗi ảnh hưởng đến cuộc sống. Do đó tất cả những vỏ hoa quả ông gom lại rắc men vi sinh, mật mía, thêm cám gạo và ủ. Sau một thời gian những phế phẩm phân hủy thành phân, đây là nguồn dinh dưỡng rất tốt để bón cho cây trồng, đặc biệt đối với loại cây có múi. Theo ông Quang, phân loại rác thải tại nguồn đem lại 2 lợi ích, đầu tiên là giúp ông và các thành viên trong gia đình hình thành thói quen thu gom, phân loại rác thải tại nhà, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thứ hai, sau khi thu gom rác hữu cơ có thể ủ để lấy nước tưới cây, rau làm phân bón cho cây trồng tại vườn nhà, bón ruộng hoàn toàn không gây tác hại ra môi trường.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc phân loại rác thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
HTX Dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) ngoài việc làm dịch vụ thu gom rác thải còn tái chế rác thải mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX cho biết, với 3 dây chuyền chế biến, trung bình, mỗi ngày HTX phân loại, thu gom và xử lý 15 tấn rác thải nhựa, ngoài ra còn một lượng lớn rác thải khác như giấy, bìa các tông, tăng gấp đôi so với năm 2021. Rác thải nhựa sau khi được công nhân thu gom, phân loại sẽ đưa vào dây chuyền để loại bỏ tạp chất, sấy khô rồi nghiền nhỏ thành những hạt nhựa nguyên liệu sản xuất các loại sản phẩm khác. Với dây chuyền xử lý rác thải HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động, quan trọng nhất rác đã được tái chế, giảm thiểu thấp nhất nguy hại đến môi trường.
Vẫn còn khó khăn
Việc phân loại rác thải tại nguồn và xử lý dù đã được thực hiện nhưng “diện bao phủ” còn hạn hẹp và cũng mới chỉ thực hiện ở một số điểm. Tại khu vực đô thị, việc phân loại rác tại nguồn tưởng chừng rất đơn giản nhưng hiện đang rất khó khăn. Nguyên nhân là do chưa thiết lập được chuỗi quy trình phân loại trong thu gom, xử lý. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, tổ 8, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ, nếu như ở nông thôn, vỏ hoa quả, rác thải hữu cơ đổ ra vườn sẽ phân hủy, còn ở thành phố đất chật, người đông, không có vườn tược, trong khi dịch vụ thu gom rác chưa thực hiện phân loại nên có muốn phân loại chị cũng phải chịu.
Rác thải nhựa đã được phân loại chuẩn bị đưa vào xử lý tại HTX Thanh Bình.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang, doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay, trung bình mỗi ngày công ty thu gom khoảng 100 tấn rác và hiện lượng rác thải này vẫn chưa thể phân loại bởi phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong khi chờ có giải pháp hữu hiệu trong việc phân loại rác thải tại nguồn, từng bước giảm tải rác thải nhựa ra môi trường, giải pháp duy nhất là công ty khuyến khích công nhân trong quá trình thu gom vận chuyển rác tăng cường loại, nhặt rác, đặc biệt là rác thải nhựa để có thể tái chế.
Các chuyên gia về môi trường nêu lý do chưa thể phân loại rác thải tại nguồn trên diện rộng ngoài ý thức của bộ phận người dân còn do chúng ta chưa thiết lập được quy trình xử lý khép kín. Hầu hết, các doanh nghiệp tham gia thu gom, xử lý rác thải cũng mới dừng ở giải pháp chôn lấp, tức là biện pháp thô sơ nhất.
Phân loại rác thải tại nguồn đồng thời thực hiện các giải pháp để xử lý chất thải rắn, giảm thiểu tác động đến môi trường, ngày 29-1-2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về quản lý chất thải rắn. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia vào việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, trong đó có chất thải rắn. Đồng chí Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đảm bảo việc phân loại rác thải được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, Sở đang tham mưu với tỉnh đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải, hiện tại Nhà máy xử lý rác thải của tỉnh tại xã Nhữ Khê đã bắt đầu tiến hành các thủ tục xây dựng. Như vậy trong tương lai gần việc phân loại, xử lý rác thải sẽ được thực hiện.
Hạn chế rác thải ra môi trường, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là sử dụng túi nilong; ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; duy trì thói quen phân loại rác thải. Bởi phân loại rác sẽ giữ cho môi trường trong sạch, tăng khả năng tái sử dụng.
Gửi phản hồi
In bài viết