Làm rõ hơn số tiền thất thoát 3,8 triệu USD trong phiên xử nguyên Thứ trưởng Cao Minh Quang

Ngày 21-11, buổi đầu tiên diễn ra phiên xét xử vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gây thất thoát 3,8 triệu USD tiền sản xuất thuốc chống dịch cúm A/H5N1 năm 2008 liên quan đến nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành xét hỏi các bị cáo.

Quang cảnh phiên tòa.

Người đầu tiên đứng lên bục khai báo là bị cáo Lương Văn Hóa (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long). Bị cáo Hóa khai, bản thân có 6 năm công tác tại Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long với tư cách là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo các hoạt động của công ty. Bản hợp đồng giữa Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long với Bộ Y tế về việc đặt hàng mua nguyên liệu sản xuất thuốc Oseltamivir được bị cáo Hóa trực tiếp ký.

Nói về khoản tiền 3,8 triệu USD đã giữ lại (đây là tiền đối tác nước ngoài Mambo giảm giá, nhưng các bị cáo không nộp lại Nhà nước), bị cáo Hóa khai, chỉ khi nào được bên đối tác nước ngoài (Công ty Mambo - Singapore) chính thức giảm giá thì bị cáo mới báo cáo. Do chưa có văn bản chính thức của Công ty Mambo về việc giảm giá nên bị cáo chưa có văn bản báo cáo lên Bộ Y tế. Khi được hỏi về mục đích giữ lại số tiền 3,8 triệu USD, bị cáo Hóa khai, theo bị cáo biết, lúc đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long khó khăn về vốn, trong khi lãi suất ngân hàng cao. Bị cáo giữ số tiền lại để bổ sung vốn cho công ty, ngoài ra không có mục đích nào khác. Bị cáo Hóa thừa nhận có lỗi và cũng trình bày không có ý kiến gì với cáo buộc của Viện Kiểm sát.

Chiều cùng ngày (21-11), tại phiên xét xử, bị cáo Cao Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận bản thân thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát, dẫn tới không phát hiện việc Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long không báo cáo về số tiền 3,8 triệu USD. Với cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan thuốc Tamiflu và Oseltamivir thời kỳ đương nhiệm, bị cáo Cao Minh Quang cho biết, tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc bảo quản, sử dụng thuốc và năm 2008, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra sau đó đã báo cáo bị cáo Cao Minh Quang về việc Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long chưa thanh toán 3,8 triệu USD cho đối tác nước ngoài nhưng bị cáo đã không chỉ đạo, làm rõ bản chất việc này, dẫn tới thất thoát tài sản của Nhà nước.

Năm 2009, bị cáo Nguyễn Việt Hùng soạn phiếu trình bị cáo Cao Minh Quang báo cáo Thủ tướng nội dung "không đề xuất kiểm tra làm rõ số tiền 3,8 triệu USD". Bị cáo Quang sau đó ký Báo cáo số 20 gửi Thủ tướng Chính phủ nhưng không có nội dung về 3,8 triệu USD. Số tiền này chỉ được thể hiện trong phụ lục của báo cáo, thể hiện Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long sẽ hoàn thành thanh toán trước ngày 31-3-2009. Tuy nhiên, báo cáo này được gửi cuối tháng 4 cùng năm, quá gần 2 tháng so với thời hạn Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long phải thanh toán 3,8 triệu USD. Giải thích lý do sai phạm của mình, bị cáo Cao Minh Quang nói rằng do tin tưởng cấp dưới, không kiểm tra, giám sát, để xảy ra việc báo cáo Thủ tướng không đúng nội dung thực tế.

Như đã đưa tin, vụ án ban đầu có 9 bị cáo nhưng do bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long) tử vong do mắc bệnh mạn tính trước khi mở phiên tòa nên Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ xét xử đối với bị cáo này. Phiên tòa ban đầu dự kiến kéo dài trong 5 ngày nhưng đã được quyết định rút ngắn xuống còn 3 ngày.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục