Xử lý vi phạm nồng độ cồn - Không có ngoại lệ

- Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt nhằm phát hiện và xử lý tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chức năng, vẫn còn một số người dân chưa chấp hành nghiêm.

Vi phạm nồng độ cồn được Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an đánh giá là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi: Đi sai phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn... gây ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT), đe dọa tính mạng người dân. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng liên tục ra quân, tập trung xử lý lỗi vi phạm này. Xử lý vi phạm tăng, hiệu quả cũng nhìn thấy rõ là TNGT do vi phạm nồng độ cồn đã giảm. Tuy nhiên, người vi phạm vẫn còn khá phổ biến.

Cán bộ Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Yên Sơn thực hiện nhiệm vụ.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 7.812 trường hợp, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước gần 15 tỷ đồng. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn trên 1.700 trường hợp. Đây là lỗi vi phạm cao thứ 2 trong các lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Đội trưởng Đội tuần tra đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, Đội kiểm soát, xử lý quyết liệt nồng độ cồn, nhất là vào buổi tối, các ngày nghỉ, ngày lễ để làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia gây ra “không có ngoại lệ” để hình thành các thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”.

Địa bàn huyện Yên Sơn có tuyến quốc lộ 2 chạy qua, điểm từ km 7 đến km13 thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, cũng là trung tâm huyện nên việc xử lý vi phạm trật tự ATGT được lực lượng chức năng huyện chú trọng. Đặc biệt, cơ quan chức năng thường xuyên xử lý vi phạm nồng độ cồn vào các buổi tối. Thiếu tá Trần Văn Ngọc, Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Yên Sơn cho biết: “Chúng tôi cương quyết giữ xe và xử lý đối với các trường hợp sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Không “xuê xoa” bất cứ trường hợp nào. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, cán bộ xử lý sẽ không sử dụng điện thoại nên không thể can thiệp từ bên ngoài. Trung bình mỗi buổi tuần tra, kiểm soát Đội xử lý được 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với cùng thời kỳ năm trước thì giảm một nửa”.

Tại huyện Hàm Yên, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được lực lượng Công an huyện thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Từ đầu năm đến 25-5, huyện đã phát hiện, xử lý gần 700 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng, trong đó vi phạm nồng độ cồn 170 trường hợp. Thiếu tá Trần Tiến Dũng cho rằng: “Quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn từ năm 2020 đến nay không thay đổi. Mức xử phạt đã khá cao rồi, với mô tô lên tới 8 triệu đồng, ô tô lên tới 40 triệu đồng. Tước giấy phép lái xe lên tới 24 tháng. Với các mức xử phạt này so với mức xử phạt chung về vi phạm trật tự ATGT không hề thấp. Tuy nhiên, phải nói rằng, cần có sự phối hợp từ nhiều phía mới mong ngăn được triệt để vi phạm nồng độ cồn. Trong đó chủ chốt vẫn là nhận thức của người dân. Bởi thế bên cạnh xử lý theo quy định, Đội CSGT - Trật tự huyện phối hợp với các đơn vị tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt Nghị định 100/2019/NĐ-CP để người dân chủ động thực hiện”.

Siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên để thay đổi triệt để việc sử dụng rượu, bia, lái xe phương tiện tham gia giao thông rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là ý thức của mỗi người đối với tính mạng của mình và cộng đồng.

Bài, ảnh: Mỹ An

Tin cùng chuyên mục