Phát huy giá trị không gian nghệ thuật công cộng

Là một phần không thể thiếu trong đời sống đương đại, không gian nghệ thuật công cộng không chỉ tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, mà còn cung cấp những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa, thẩm mỹ cho cộng đồng.

Phát huy hiệu quả không gian nghệ thuật công cộng là nhu cầu thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Thủ đô, hình thành nên những điểm đến giàu bản sắc, thu hút đông đảo công chúng và du khách.

Không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn tại Thủ đô. Ảnh: Trọng Hiếu

Nghệ thuật giúp thay đổi không gian công cộng

Từ một địa chỉ ngập rác thải và nồng nặc mùi hôi thối, khu vực nằm giữa khu phố 1 và 2 của phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) đã được “lột xác”, trở thành không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân - một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn để tận hưởng nghệ thuật, tìm lại lịch sử thành phố qua các công trình sáng tạo hoàn toàn miễn phí. Đây là dự án do UBND quận Hoàn Kiếm khởi xướng từ năm 2019 với sự tham gia của nhóm nghệ sĩ tình nguyện và đông đảo người dân trong khu vực nhằm biến bức tường dài hơn 200m, vốn là nơi tập kết rác tự phát, thành 16 tác phẩm nghệ thuật sáng tạo chuyển tải những câu chuyện hấp dẫn về Hà Nội.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, cho biết, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân được hình thành hoàn toàn từ vật liệu tái chế, tôn vinh thông điệp bảo vệ môi trường; tạo sự tương tác, gắn kết giữa nghệ sĩ và công chúng khi cùng hợp tác gây dựng công trình. Đáng chú ý, từ khi đi vào hoạt động (năm 2020), không gian không chỉ là nơi giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, mà còn trở thành điểm đến cho các hoạt động văn hóa, chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang…

Trước đó, dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” cũng đã góp phần biến đoạn vòm cầu phía Đông, từ ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm), trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua với nhiều công chúng và du khách khi đặt chân đến Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được khởi động từ cuối năm 2017, nhằm tạo diện mạo mới, đậm chất văn hóa cho khu vực phố cổ; đồng thời hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống. Từ khi ra đời, khu vực này trở thành điểm hội tụ của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật truyền thống...

Em Nguyễn Quang Nhật (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) chia sẻ: “Nhiều lần em được bố mẹ cho đi tham quan khu phố cổ rồi đưa đến phố Phùng Hưng để ngắm bích họa, qua đó hiểu hơn về truyền thống lịch sử ngàn năm của Thủ đô”.

Trên đây là hai trong nhiều ví dụ tiêu biểu cho các không gian nghệ thuật công cộng đã và đang góp phần tạo dựng không khí văn hóa, nghệ thuật sôi động tại Thủ đô. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận xét, nhiều dự án không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng, mà còn thổi vào đó sức sống mới, như các dự án: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Con đường gốm sứ ven sông Hồng…

Cộng đồng chung tay duy trì, tiếp nối

Hà Nội đã chính thức ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) như một cách xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho thành phố trên trường quốc tế. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của các sáng tạo mang tính cộng đồng, đặc biệt là nghệ thuật công cộng trong sự phát triển của Thủ đô.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) Phạm Thúy Loan, để làm được điều này, Hà Nội cần sự cởi mở hơn nữa với nghệ thuật công cộng, tạo điều kiện tài chính và sự thông thoáng cho nghệ sĩ, gợi mở cơ hội để cộng đồng chung tay duy trì, tiếp nối, sáng tạo dưới sự dẫn dắt của cơ quan quản lý, các nghệ sĩ, cũng như ý thức gìn giữ các không gian nghệ thuật công cộng của người dân.

Còn họa sĩ Nguyễn Thế Sơn kiến nghị, Hà Nội cần sớm có quy chế về thực hành nghệ thuật công cộng, đi kèm với cơ chế quản lý, bảo vệ. Việc xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm từ việc kết nối các không gian nghệ thuật công cộng thành một bản đồ khám phá nghệ thuật cũng góp phần thu hút du lịch, đồng thời nâng cao nhận thức về giá trị cảnh quan, nghệ thuật...

Nghệ thuật công cộng phản ánh mức độ văn minh của một thành phố, thậm chí có thể trở thành biểu tượng, nơi cung cấp những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa, thẩm mỹ. Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của các đơn vị liên quan, rất cần ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng, quy định cụ thể về việc tôn trọng không gian chung của cộng đồng; bảo vệ cảnh quan môi trường... Những nội dung này đã và đang được lan tỏa trong đời sống bằng nhiều cách làm hiệu quả, góp phần củng cố, bồi đắp lối sống văn minh, ứng xử văn hóa tại các không gian công cộng.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục