Thuận lợi từ nhất thể hóa
Tại phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) hiện có 9 vị trí kiêm nhiệm nhiều chức danh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Trong đó, đồng chí Nguyễn Chiến Trường, vừa là Bí thư Đảng ủy, vừa là Chủ tịch UBND phường; đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ đồng thời là Phó Chủ tịch HĐND; đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân đồng thời là Phó Chủ tịch Hội LHPN, kiêm công chức tư pháp hộ tịch; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự kiêm Phó Chủ tịch Nông dân, Phó Bí thư Đoàn phường; các đồng chí công chức tư pháp, văn hóa xã hội, văn phòng thống kê cũng đồng thời kiêm nhiệm một số chức danh khác.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Chiến Trường cho rằng, việc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu địa phương có nhiều thuận lợi, khi thống nhất được việc ban hành Nghị quyết, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Nhiều việc khó tồn tại tại địa phương nhiều năm, qua nắm tình hình, đã cơ bản được giải quyết, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự, quản lý trật tự đô thị...
Công chức văn phòng tại các địa phương hiện đều kiêm nhiệm nhiều chức danh, chủ yếu là chức danh không chuyên trách.
Đối với các chức danh kiêm nhiệm, theo đồng chí Nguyễn Chiến Trường, việc bố trí kiêm nhiệm một số chức danh trên địa bàn phường cơ bản đạt hiệu quả, phát huy được năng lực, sở trường và trình độ của cán bộ, công chức, đặc biệt là những chức danh không chuyên trách.
Đồng chí Đỗ Thị Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, Phó Chủ tịch HĐND phường Ỷ La cũng cho rằng, việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ. Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, Phó Chủ tịch HĐND, việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện của HĐND với MTTQ gắn kết chặt chẽ với nhau, bổ trợ nhau và được nâng cao chất lượng từng ngày. Ỷ La cũng là địa phương được đánh giá là có hoạt động giám sát thực chất, với nhiều hoạt động giám sát bám vào đời sống, qua đó, tiếng nói của cử tri, nhân dân ngày càng được quan tâm, giải quyết thấu đáo, hiệu quả.
Không riêng tại phường Ỷ La, tại nhiều địa phương, việc bố trí kiêm nhiệm một số chức danh, trong đó có các chức danh bán chuyên trách cũng đang được thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả.
Tại xã Hoàng Khai, hiện nhiều chức danh bán chuyên trách cũng đang được bố trí kiêm nhiệm như đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Văn phòng Đảng ủy kiêm Phó Chủ tịch MTTQ...
Hỗ trợ, phát huy thế mạnh từng chức danh
Đồng chí Lưu Thị Thương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã hiện đang kiêm nhiệm thêm chức danh cán bộ Khuyến nông xã. Theo chị Thương, việc kiêm nhiệm 2 chức danh giúp chị chủ động bố trí công việc, phát huy được thế mạnh của từng chức danh, vị trí để hỗ trợ nhau. Trên thực tế, cả 2 nhiệm vụ, việc bám sát cơ sở đều phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Tranh thủ các đợt sinh hoạt, các buổi gặp mặt tại các chi hội, chị Thương vừa tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản, hoạt động của hội phụ nữ, vừa tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hướng dẫn công tác sản xuất... cho chị em. Việc này vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp chất lượng công việc tăng lên.
Tại xã Đông Lợi (Sơn Dương), việc kiêm nhiệm các chức danh cũng được xã phân công dựa trên năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, như Công chức địa chính kiêm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, đồng chí Bí thư Đoàn xã đồng thời là Văn phòng Đảng ủy.
Công chức Văn phòng UBND phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người dân đăng ký thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Việc kiêm nhiệm đồng thời 2 chức danh đã giúp đồng chí Trần Thu Huynh, Bí thư Đoàn xã, đồng thời là Văn phòng Đảng ủy dễ dàng nắm bắt được những định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy, nhất là trong công tác thanh niên, qua đó, khi triển khai nhiệm vụ đến cơ sở được thực hiện nhất quán. Đồng thời đồng chí Huynh phát huy lợi thế nhanh nhạy trong sử dụng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành chất lượng các văn bản, báo cáo của Đảng ủy.
Trên địa bàn tỉnh, việc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu, bố trí cán bộ kiêm nhiệm được hầu hết các địa phương thực hiện theo hướng tổ chức bộ máy được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Qua đó, tăng cường vai trò liên minh, gắn kết các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy được sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đưa ra các phương hướng, giải pháp: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm”.
Những phương hướng, giải pháp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chính là cơ sở để tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng gắn liền với sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết