Phát huy sức mạnh văn hóa, con người

- Thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững, trọng tâm là xây dựng con người Tuyên Quang “Yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo”. Trong đó, đặt phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng, phát triển văn hóa với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xây đời sống văn minh

Cứ 5 giờ chiều, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) lại ra sân nhà văn hóa thôn để cùng tập luyện bóng đá, bóng chuyền hơi. Kể từ khi nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên được xây dựng khang trang, thôn Nghiêm Sơn đã thành lập được 2 câu lạc bộ, là Câu lạc bộ bóng đá nữ và Câu lạc bộ bóng chuyền hơi.

Chị Hiền chia sẻ, sau một ngày làm việc căng thẳng, ra sân tập luyện vừa được rèn sức khỏe, vừa thêm gắn bó với anh chị em trong thôn.

Nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân (Trong ảnh Nhà văn hóa xóm Nưa, xã Đông Lợi, Sơn Dương).

Xã Hoàng Khai là một trong những xã đầu tiên hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc hoàn thành các công trình hạ tầng, việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân được chính quyền xã này đặc biệt quan tâm. Hiện ở xã đã thành lập 12/12 câu lạc bộ bóng chuyền hơi tại các thôn, 7 câu lạc bộ bóng đá nữ và 3 câu lạc bộ giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc. Bà Phương Huyền Sâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Khai cho biết: Hội Phụ nữ xã thường xuyên tổ chức các hội thi, nhằm lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy văn hóa truyền thống. Đặc biệt, từ 2 năm nay, việc sử dụng nhạc cho các tiết mục văn nghệ của hội viên được khuyến khích sử dụng hoàn toàn nhạc các dân tộc, không dùng nhạc nước ngoài… Việc tổ chức các hoạt động đều được tổ chức tại Nhà văn hóa. Các nhà văn hóa sáng đèn đến tối muộn đồng nghĩa với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thêm bài bản, chất lượng hơn, lôi cuốn đông đảo người dân tham gia. Cũng từ các phong trào văn hóa thể thao, lối ứng xử thân thiện với cộng đồng, môi trường cũng từng bước trở thành thói quen thường nhật của người dân nơi đây.

Không chỉ ở Hoàng Khai, việc hoàn thiện, đồng bộ các thiết chế văn hóa đang được các địa phương tập trung thực hiện.

Cùng với các địa phương, việc xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện tại các cơ quan, đơn vị được phát động với nhiều phong trào thi đua như phong trào: “Thi đua lao động sản xuất”, “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”;  phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh”, “Dân vận khéo”...

Từ năm 2022, hàng năm tỉnh duy trì tổ chức vinh danh 10 công dân tiêu biểu là những người có nhiều đóng góp, thành tích nổi bật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có cơ chế phù hợp, mang tính đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang trong thời kỳ mới, nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai thực hiện.

Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, Tuyên Quang tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa hiệu quả, gắn chặt chẽ với phát triển du lịch, các giá trị văn hóa được bảo tồn, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, từng bước hình thành nếp sống văn minh phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đến tháng 3/2024, hoàn thành 19 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đạt 190% (tăng 90% chỉ tiêu kế hoạch); có 69% di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng.

Nguồn lực dành cho văn hóa ngày càng tăng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong những năm gần đây, việc tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh được quan tâm, chú trọng. Trong kỳ báo cáo, riêng Ngành văn hóa, thể thao và du lịch được bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh với tổng kinh phí trên 908 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, xây dựng và thực hiện các chương trình, Nghị quyết riêng về văn hóa.

Nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2024 cũng dành số tiền trên 22 tỷ đồng hỗ trợ cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên.

Ở cấp huyện, kinh phí đầu tư cho văn hóa, đảm bảo phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu theo từng thời điểm. Như tại huyện Hàm Yên, năm 2014, địa phương này dành 2,4 tỷ đồng cho phát triển văn hóa thì đến năm 2023, nguồn lực dành cho văn hóa tăng lên trên 19 tỷ đồng. Hay  như huyện Sơn Dương, năm 2014 chỉ được cấp 260 triệu đồng thì đến năm 2023 được cấp trên 9,3 tỷ đồng…

 Na Hang khôi phục, phát triển nghề thêu trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Dao Đỏ, Dao Tiền.

Trong giai đoạn từ 2021 - 2024, đã có gần 38 tỷ đồng nâng cấp trang thiết bị cho 53 nhà văn hóa thôn, bảo tồn Làng Văn hóa truyền thống; phục dựng Lễ hội truyền thống; tu bổ, tôn tạo di tích lịch lịch sử, tổ chức tập huấn,... từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến năm 2024 có thêm 40 thôn được hưởng lợi từ nguồn vốn này.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư công trình, hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng, cải tạo và nâng cấp các thiết chế văn hóa.

Ở cơ sở, Nhân dân tự tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, khai thác sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn thông qua việc thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, các đội văn nghệ quần chúng, tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục, thiết bị âm thanh, tự sáng tác và dàn dựng các chương trình nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đặc biệt, thực hiện xã hội hóa trong việc sáng tạo, thiết kế, thi công làm các mô hình đèn Trung thu trong Lễ hội Thành Tuyên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân và mang lại hiệu quả rất lớn. Qua đó, đưa Lễ hội dần vươn tầm quốc tế nhưng vẫn mang bản sắc và tâm hồn của người dân xứ Tuyên.

Còn nhiều việc phải làm

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vẫn còn nhiều vấn đề về xây dựng, phát triển toàn diện văn hoá chưa đạt kỳ vọng.

Trên địa bàn tỉnh, hiện vẫn chưa hình thành, xây dựng được Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh, hay còn gọi là Trung tâm Văn hóa tỉnh; Khu Liên hợp thể thao tỉnh; Rạp chiếu phim. Chưa đạt 100% số thôn, bản, tổ dân phố hoặc liên thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá; trên 80% di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được xếp hạng…

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay chính là khoảng cách thụ hưởng văn hóa của các tầng lớp chưa thực sự đồng đều. Đây cũng là thực trạng mà trong văn kiện Đại hội XVIII của Đảng đã chỉ ra. Trong đó nhấn mạnh, phải có sự quan tâm đầu tư đúng mức để từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội…

Theo thống kê, ở cấp xã, hiện có 134/138 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã, phường, thị trấn, trong đó có 83 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao đạt chuẩn gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 1.680/1.733 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó 1.367 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản đạt chuẩn.

Trong khi đó, tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, việc xây dựng các thiết chế văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trên thực tế, hiện có 2/2 khu công nghiệp có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; 5/28 doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sân bãi thể thao; 28/28 doanh nghiệp chưa có nhà văn hóa riêng phục vụ công nhân lao động.

Công tác quản lý, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở còn hạn chế, chưa thật sự chất lượng; một số nét văn hóa truyền thống độc đáo có nguy cơ mai một… Trong đó, có thể thấy rõ nét nhất là vấn đề trang phục, tiếng nói và nhà ở.

Việc xây dựng môi trường văn hóa cũng là vấn đề đáng bàn,  nhất là trong môi trường giáo dục. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2014 đến tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 198 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, đã có vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, an toàn trường học, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, thiếu công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Các doanh nghiệp đầu tư dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch còn ít, chưa đa dạng, phong phú; thị trường văn hóa chưa phát triển phong phú, đa dạng trong tình hình mới.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở mặc dù được quan tâm đầu tư, song chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là một số thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, huyện, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chưa được trang bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất theo nhu cầu thực tế; thiếu các điểm vui chơi, giải trí công cộng, thể dục, thể thao để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, nhất là trẻ em. Các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng, chưa phát triển bền vững; chưa gắn sản phẩm văn hóa với sản phẩm du lịch, làng nghề...

Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu quản lý văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu, chưa được chuẩn hóa để đảm bảo tính đồng bộ và hợp lý theo trình độ chuyên ngành; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chế độ đãi ngộ cán bộ làm công tác văn hóa chưa hợp lý, đặc biệt là đội ngũ công chức văn hóa cấp xã.

Một trong những cách làm mà nhiều địa phương hiện đang khai thác và thực hiện rất tốt, đó là tranh thủ sự hỗ trợ của các cộng tác viên trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nghệ nhân tâm huyết. Như tại huyện vùng cao Na Hang, tổng số cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương này từ huyện đến cơ sở chỉ có 20 người. Đội ngũ này, cùng với những hạt nhân am hiểu văn hóa, văn nghệ tại cơ sở, am hiểu phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tại cộng đồng đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang Nguyễn Trọng Đoan, chính đội ngũ này đã góp phần tích cực gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tại địa phương. Na Hang hiện đã thành lập 145 đội văn nghệ, 13 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ và khôi phục nhiều làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như  hát Then, đàn Tính, hát Cọi, múa  loỏng nào của người Tày, hát Páo dung, múa Cấp sắc, múa Chuông, múa Xinh tiền của dân tộc Dao Đỏ và Dao Tiền...

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, ngoài những nguyên nhân khách quan, thì hệ lụy từ các tệ nạn xã hội, các loại văn hóa phẩm độc hại vẫn còn xâm nhập vào xã hội và gia đình, nhất là qua mạng Internet, gây tác hại đến thuần phong, mỹ tục trong tầng lớp thanh, thiếu niên đang là mối nguy lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, nhất là văn hóa trong giới trẻ, học sinh, sinh viên hiện nay. Việc cần làm ngay hiện nay chính là quản lý tốt các hoạt động văn hóa trên môi trường mạng, các trang mạng xã hội, kịp thời ngăn chặn các ấn phẩm văn hóa độc hại, văn hóa ngoại lai có nội dung không phù hợp, không lành mạnh.

Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược. Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh, việc xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế.

Với những gì đã làm được, Tuyên Quang đang nỗ lực thực hiện quyết tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững, trọng tâm là xây dựng con người Tuyên Quang “Yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo”.   

Đồng chí Tăng Thị Dương 

Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã gắn việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” triển khai đến các tầng lớp Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư. 
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư luôn quan tâm, chú trọng xây dựng, duy trì hoạt động các phong trào, mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư; vận động Nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, mô hình tại cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.


Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình 

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương

Sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa

Trong những năm qua, UBND huyện Sơn Dương đã tích cực, chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 31/31 xã, thị trấn, 400/400 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đang hoạt động, huyện đã bố trí ngân sách đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hóa, bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố với tổng kinh phí trên 30,5 tỷ đồng…

Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện hoạt động ngày càng hiệu quả; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và là cầu nối trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với quần chúng Nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Qua đó từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của Nhân dân ở khu vực thành thị và nông thôn, tạo nền tảng vững chắc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Thông qua các thiết chế văn hóa đã tuyên truyền, phổ biến hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chương trình kế hoạch của tỉnh và huyện nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn.


Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo
Giảng viên Khoa Văn hóa - Du lịch Trường Đại học Tân Trào, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang

Cần loại bỏ văn hóa lai căng

Những năm qua, nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa nước ngoài được du nhập vào Việt Nam một cách ồ ạt, thiếu chọn lọc. Bên cạnh những cái hay, cái đẹp thì vẫn tồn tại một số vấn nạn mà sau khi du nhập vào Việt Nam đã biến tướng, trở thành vấn đề tiêu cực trong xã hội. Có thể thấy rõ vấn đề này qua lễ hội hóa trang Halloween với hình ảnh quái dị, lưỡi hái, búa, rìu, máu me, băng bó khắp nơi, thậm chí có nhóm bạn trẻ bước xuống từ chiếc xe tang... làm cho mọi người khiếp sợ.

Thêm nữa, cùng với sự bùng nổ của những trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... người trẻ có xu hướng lạm dụng sử dụng những yếu tố ngoại lai, như: ngôn ngữ, trào lưu thần tượng nước ngoài... Điều này đã làm cho giới trẻ ngày nay dần quên đi những giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị lịch sử ngàn năm hào hùng của người Việt Nam.

Thực tế giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc là một xu thế tất yếu, là điều kiện để giới trẻ tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các nước, là cơ hội để làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của con người. Tuy nhiên cần du nhập có chọn lọc để đảm bảo văn hóa Việt Nam ngày một phát triển mà không làm mất đi bản sắc cũng như những giá trị giáo dục truyền thống nhân văn mà lịch sử ngàn đời tạo dựng.

          

 Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục