Đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Sơn cho rằng, Yên Sơn là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó nhiều nơi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định cần tập trung nâng cao và phát huy vai trò của tổ chức đảng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của cấp ủy cơ sở, phân công cấp ủy viên phụ trách cơ sở. Đồng thời chỉ đạo đảng bộ các xã đặc biệt khó khăn xây dựng các chi bộ điểm lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để từ đó nhân rộng ra các thôn, xã khác. Bên cạnh đó, Huyện ủy đã chỉ đạo các xã cụ thể hóa các chế độ, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành các dự án, đề án để thuận lợi cho công tác lãnh đạo. Đảng bộ các xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động sức mạnh và sự đồng thuận trong nhân dân.
Đồng chí Triệu Việt Loan (người đứng ngoài cùng bên phải), Bí thư chi bộ
thôn Rạp, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực trồng cây vụ đông.
Đảng bộ xã Tiến Bộ (Yên Sơn) có 14 chi bộ trực thuộc, trong đó có 10 chi bộ nông thôn, 1 chi bộ công an, 3 chi bộ trường học. Nhờ phát huy vai trò và năng lực của các chi bộ ở nông thôn nên nhiều tiêu chí về văn hóa, môi trường, thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở các thôn đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã hoàn thành. Ở những nơi này, tuy tỷ lệ hộ nghèo còn cao song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã đồng thuận cao trong việc ủng hộ của cải vật chất, công lao động để xây dựng hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Thôn Rạp có 114 hộ dân sinh sống, trong đó người dân tộc Cao lan chiếm 80%. Đây cũng là thôn có nhiều cái “nhất” ở Tiến Bộ nhờ chi bộ mạnh như phát triển cây vụ đông mạnh nhất, thôn có nhiều rừng nhất. Thôn cũng đi đầu trong kiên cố hóa kênh mương nội đồng, bê tông hóa đường giao thông, làm nhà văn hóa theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh.
Đồng chí Triệu Việt Loan, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Rạp cho biết, vì đặc thù là thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên trong công tác lãnh đạo, chi bộ luôn coi trọng công tác dân vận, thực hiện công khai, minh bạch các khoản đóng góp. Nhân dân được bàn bạc, được kiểm tra, giám sát. Do đó khi chi bộ lãnh đạo triển khai công việc gì đều được nhân dân hưởng ứng. Nếu như trước đây, diện tích đất trồng lúa 2 vụ bỏ không thì nay hầu hết diện tích lúa 2 vụ đã được nhân dân trồng cây vụ 3 làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Chi bộ thôn cũng lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển đổi trồng rừng thông thường sang trồng rừng theo quy trình FSC. Hiện nay, toàn thôn có 300 ha rừng được trồng theo quy trình FSC và là thôn dẫn đầu toàn xã về trồng rừng FSC.
Nhằm phát huy vai trò của tổ chức đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo được niềm tin của người dân tộc thiểu số, mỗi cán bộ, đảng viên cần là tấm gương để nhân dân làm theo. Xã Thượng Nông (Na Hang) hiện có 5 dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng chí Lương Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông cho biết, Thường trực Đảng ủy xã đã quan tâm lãnh đạo phân công các đồng chí Ủy viên BCH, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã phụ trách các chi bộ, giúp đỡ và hướng dẫn các chi bộ nông thôn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, khơi dậy tinh thần tiên phong, gương mẫu của bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể tại những thôn có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các chi bộ nông thôn từng bước đi vào nền nếp. Do đó, việc triển khai các chủ trương, đường lối của cấp ủy cấp trên đến đảng viên và nhân dân được kịp thời hơn. Chuyển biến rõ nét ở các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đó là ý thức giữ gìn, vệ sinh môi trường nông thôn được nâng lên. Kế hoạch trồng cây đậu tương đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Thôn Pắc Củng là thôn có gần 100% người dân tộc Dao sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao thế nhưng khi chi bộ triển khai công việc chung, nhân dân đều ủng hộ. Tết này, đường giao thông nội thôn đã được bê tông hóa 100%. Thôn còn vận động nhân dân đóng góp tiền để xây dựng một lò xử lý rác thải, kiên cố hóa trên 800 mét kênh mương nội đồng; vận động 15 hộ hiến đất để xã mở đường vào thôn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhiều đảng viên đầu tàu hiến đất. Đồng chí Bàn Văn Chanh, Bí thư chi bộ thôn Pắc Củng cho biết: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, chi bộ đã khơi dậy tinh thần tiên phong đối với mỗi đảng viên. Quần chúng là đồng bào dân tộc thiểu số nên “trăm nghe không bằng mắt thấy”, bà con phải nhìn được việc mình làm trước rồi mới làm theo. Vì vậy, muốn lãnh đạo được quần chúng nhân dân không có cách nào hiệu quả bằng việc nêu gương của mỗi đảng viên. Bất cứ công việc gì mới, chi bộ cũng phân công cho đảng viên làm trước”. Thi công tuyến đường từ xã vào thôn dài hơn chục cây số có 15 hộ ở Pắc Củng hiến đất. Trong đó có nhiều hộ là đảng viên đã tự nguyện hiến trước như hộ anh Lý Văn Đùi, Trần Thị Thiểm. Riêng gia đình bí thư chi bộ Bàn Văn Chanh hiến 1.000 m2 đất vườn của gia đình.
Bằng tinh thần nêu gương, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi dậy sự đồng thuận của nhân dân đó chính là phương pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy vai trò của tổ chức đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng.
Gửi phản hồi
In bài viết