Tăng tính liên kết trong sản xuất
Xác định tầm quan trọng của việc thành lập chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trong các cấp Hội Nông dân nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các huyện, Thành hội hướng dẫn cơ sở Hội xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp từ những hội viên có chung sở thích, nhu cầu liên kết sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập trên 340 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có trên 50 tổ hội nghề nghiệp tham gia hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập được 56 Hợp tác xã, 15 tổ hợp tác góp phần nâng cao chất lượng, phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể ở địa phương. 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở Hội Nông dân đã hướng dẫn thành lập 16 chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp với 198 thành viên.
Hội Nông dân tỉnh giải ngân vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương cho thành viên tổ hội chăn nuôi bò sinh sản xã Thái Hòa (Hàm Yên).
Được thành lập năm 2021 với 7 thành viên, đến nay, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn đen thả đồi của Hội Nông dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đã phát triển lên 11 hội viên. Từ 80 con lợn đen ban đầu, đến nay tổ hội đã có trên 200 lợn thương phẩm, cao điểm có trên 300 con. Tham gia tổ hội, các hội viên đều được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để tăng đàn. Thông qua các kênh của Hội Nông dân các cấp, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh đã đặt sản phẩm với tổ. Hiện nay, mặc dù giá lợn thương phẩm có nhiều biến động nhưng lợn đen thả đồi của tổ luôn có đầu ra ổn định, với giá bán trên 100.000 đ/kg, mang lại giá trị kinh tế trên 1,2 tỷ đồng/năm.
Ông Ma Quang Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Bình cho biết, Hội Nông dân xã đã thành lập được 4 tổ hội nông dân nghề nghiệp, gồm: Tổ chăn nuôi ốc, tổ trồng gấc, tổ chăn nuôi lợn đen thả đồi và tổ trồng rau củ quả, mỗi tổ có từ 10 - 20 thành viên tham gia. Thông qua việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các hội viên nông dân đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, chăn nuôi như: hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật, thức ăn và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Với mong muốn cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi gà, Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm tổ dân phố Đồng Lương, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) được thành lập với 20 thành viên. Ông Lý Xuân Quyết, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm tổ dân phố Đồng Lương cho biết: Chi hội chuyên sản xuất gà giống cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh. Bình quân hàng tháng, chi hội xuất bán trên 2 vạn con giống ra thị trường. Ngoài việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm, thành viên trong chi hội còn hỗ trợ nhau về vốn mở rộng chuồng trại, chăn nuôi.
Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn cho biết: Sau 3 năm, toàn huyện đã có 75 chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập theo tiêu chí “5 cùng”. Đây là xu hướng tất yếu, là tiền đề từng bước thành lập Hợp tác xã. Từ chi hội nghề nghiệp này, bà con bàn bạc, thỏa thuận hoạt động theo một nguyên tắc của chi hội. Mục tiêu trong năm 2024, toàn huyện sẽ thành lập được 15 - 20 chi hội, tổ hội Nông dân nghề nghiệp có chất lượng, quy mô. Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ thành lập mới và nhân rộng các chi hội, tổ hội Nông dân nghề nghiệp hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên và điều kiện thực tế của từng địa phương.
Hỗ trợ nguồn lực
Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng thụ). Các chi hội, tổ hội tổ chức sinh hoạt từ 1-3 tháng/lần, nội dung sinh hoạt chủ yếu tập trung vào việc trao đổi thông tin thị trường, phương tiện sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng lồng ghép các nguồn lực từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” hỗ trợ cho các chi hội, tổ hội nghề nghiệp để đầu tư trang thiết bị, phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc để mô hình hoạt động hiệu quả.
Các cấp hội quản lý, sử dụng hiệu quả trên 40 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân cho trên 900 lượt hộ vay, thực hiện 100 dự án phát triển sản xuất gắn với phát triển mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, mô hình tổ, nhóm liên kết hợp tác. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ “Hỗ trợ nông dân” các cấp giải ngân trên 3 tỷ đồng, thực hiện 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Các cấp Hội Nông dân đã thực hiện tốt công tác ủy thác với các Ngân hàng, tạo điều kiện cho trên 35.610 hộ vay trên 2.761 tỷ đồng, qua đó góp phần giải quyết khó khăn về vốn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên nông dân.
Việc hỗ trợ nguồn lực từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân”, vay vốn ngân hàng đã góp phần trợ lực để các chi hội, tổ hội Nông dân nghề nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả, hoạt động bền vững, tạo ra các chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết