Bài học phá rào quy hoạch
Trước năm 2000, cây cam sành tập trung chủ yếu tại huyện Hàm Yên với 2.013 ha, hết năm 2017 tăng lên 7.833 ha và hiện nay trên 8.600 ha, đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc, sau tỉnh Hòa Bình. Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 đề ra mục tiêu đến hết năm 2020, diện tích cam toàn tỉnh chỉ là trên 6.800 ha nhưng mới hết năm 2019 thì đã vượt quy hoạch làm cho sản lượng tăng theo, dẫn đến nhiều vụ cam phải “giải cứu”.
Người dân thôn 2, xã Trung Trực (Yên Sơn) cải tạo lại vườn bưởi để nâng cao năng suất, chất lượng.
Cũng như cây cam, cây bưởi tăng vọt từ 1.500 ha năm 2017 lên 4.867 ha vào cuối năm 2020. Diện tích cây bưởi đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc chỉ sau tỉnh Bắc Giang, trong đó, bưởi đang cho thu hoạch 1.800 ha. Anh Nguyễn Mạnh Tường, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, với tốc độ tăng như hiện nay, cộng với một lượng lớn bưởi chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, tình trạng cung vượt cầu sẽ diễn ra.
Xã Tứ Quận từng nằm trong vùng chuyên canh phát triển cây chè của huyện Yên Sơn, với 500 ha và giữ ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên đến năm 2016 - 2017, cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã thay đổi lớn, trên 300 ha chè đã bị phế bỏ để thay thế các loại cây ăn quả, trong đó có bưởi, cam, ổi, nhãn, vải...
Đồng chí Đinh Bộ Lĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, không thể phủ nhận giá trị cây ăn quả mang lại, nhưng nếu không thực hiện đúng theo quy hoạch thì hậu quả khó lường. Trên thực tế nhiều địa phương phát triển ồ ạt cây ăn quả để rồi khi đến kỳ thu hoạch lại kêu gọi sự giải cứu.
Kiểm soát quy hoạch, không để cung vượt cầu
Phát triển nóng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi đã đặt ra bài toán với nhiều địa phương trong việc kiểm soát, làm tốt công tác quy hoạch.
2 năm nay, người trồng cam thôn 2 Thuốc Thượng và Đồng Lệnh, xã Tân Thành (Hàm Yên) dần quy hoạch lại sản xuất. Anh Đặng Văn Ánh, thôn Thuốc Thượng 2, xã Tân Thành khẳng định, năm 2017 gia đình có 3 ha cam nhưng hiện nay anh co lại chỉ còn 2,2 ha. Những cây cam trồng ở độ dốc cao khó chăm bón, thu hái; cây sâu, bệnh, già cỗi kém phát triển anh Ánh phế bỏ. Quy hoạch lại diện tích cam, canh tác hữu cơ thuận lợi cho quá trình chăm sóc, thu hái, sản phẩm cam của gia đình anh Ánh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn PGS (hệ thống chứng nhận tin cậy cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam). vụ cam vừa qua, giá cam sành xuống thấp, chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg nhưng cam PGS của anh vẫn được hệ thống siêu thị, người tiêu dùng đặt mua với giá 18.000 đồng/kg.
Nhiều trang trại, gia trại trồng bưởi Phúc Ninh (Yên Sơn) cũng chuyển hướng sản xuất nhằm giữ vững giá trị sản phẩm.
Trong Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu, giữ ổn định diện tích cây ăn quả, trong đó có 2 cây chủ lực là cam và bưởi. Cụ thể, kiểm soát cây cam ở mức 8.300 ha, sản lượng trên 102 nghìn tấn quả/năm; mở rộng diện tích sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương lên 1.360 ha, tăng 1,6 lần so với năm 2020; số lượng sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc khoảng 14 sản phẩm. Đối với cây bưởi giữ ở mức 5.200 ha, sản lượng bưởi trên 50 nghìn tấn; mở rộng diện tích sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương được cấp mã truy xuất nguồn gốc lên 1.500 ha.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương chú trọng chất lượng giống cây ăn quả, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các trang trại, nhà vườn, các HTX, tổ nhóm liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm trái cây vào thị trường quốc tế... Không để xảy ra tình trạng “giải cứu” cây ăn quả như thời gian qua.
Gửi phản hồi
In bài viết