Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, hội thảo đưa ra những vấn đề mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam và các nhà làm phim quốc tế. Đó là xây dựng năng lực sản xuất, cơ chế ưu đãi sản xuất để làm ra những bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế; tầm quan trọng của bản quyền và các giải pháp xử lý việc khai thác phim không có bản quyền; cách thức giải quyết những vấn đề còn tồn tại và góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển, an toàn và bền vững. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu môi trường làm phim ở Việt Nam, thế mạnh, khả năng thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam.
Tại hội thảo, đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn; Giám đốc, cố vấn Film Group Nelson MOK và đạo diễn Phan Đăng Di đã bàn thảo về việc sản xuất các bộ phim, chương trình truyền hình có chất lượng cho thị trường Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Họ có đồng quan điểm, để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam, cần nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển các kênh phát hành, hệ thống rạp chiếu phim, hệ thống phát hành phim trực tuyến...
Các đại biểu như đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh; Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách sản xuất và ưu đãi HBO/Warner Media Jay Roewe... đề cập đến việc gắn kết điện ảnh Việt Nam với cộng đồng làm phim quốc tế, xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam có tính cạnh tranh lành mạnh theo kinh nghiệm từ điện ảnh Hàn Quốc, Singapore, Australia...
Hiện nay, các cơ quan quản lý đang gấp rút hoàn thành dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, vì vậy, dịp này, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến về các cơ chế, chính sách, quy định để phát triển bền vững nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết