Phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Sẵn sàng tâm thế vượt khó

Nghệ thuật biểu diễn là một trong 12 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi hội tụ nhiều điều kiện để có thể thực hiện thành công phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, song vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước, đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt khó.

Bức tranh chung còn khó khăn

Nghệ thuật biểu diễn gồm khá nhiều ngành như ca, múa, nhạc, kịch, cải lương, xiếc... PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định: “Nghệ thuật biểu diễn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và là một bộ phận cốt lõi của công nghiệp văn hóa. Trong lĩnh vực này, cần phải chú trọng cả ba khu vực: Khu vực sáng tạo tác phẩm (nghệ sĩ sáng tạo); Khu vực công nghiệp sản xuất gồm tác phẩm, đội ngũ nghệ sĩ diễn viên, dàn dựng - công nghệ kỹ thuật (ánh sáng...); Khu vực công nghiệp kinh doanh (tổ chức biểu diễn, marketing, hạch toán chi phí, phát triển thị trường)...”.

Nếu nhìn vào mặt bằng chung của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Thủ đô ở ba khía cạnh này, câu hỏi làm thế nào để thực hiện thành công công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực này hẳn sẽ rất khó trả lời, bởi còn đó rất nhiều đơn vị nghệ thuật lớn đang loay hoay với "thực đơn" biểu diễn nghèo nàn, sân khấu vắng khán giả, nghệ sĩ phải làm 2 - 3 việc một lúc kiếm sống... Điều này rõ nhất ở lĩnh vực sân khấu kịch. NSƯT Chí Trung, quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từng chia sẻ về hiện trạng “đói” kịch bản hay: “Mỗi năm chúng tôi nhận được hàng trăm, hàng nghìn kịch bản nhưng không có cái nào đáng dựng. Chúng tôi sẵn sàng trả cao cho những kịch bản hay nhưng hiếm lắm!”.

Nguồn nhân lực của các nhà hát cũng rất đáng lo ngại. Trong buổi tọa đàm "Mối quan hệ giữa Hội Sân khấu Hà Nội với các đơn vị nghệ thuật sân khấu Hà Nội” tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, nhận định: "Các nhà hát của Hà Nội đang rất nguy. Vừa qua, không riêng gì Nhà hát Kịch Hà Nội mà Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội đã phải cắt bớt số diễn viên hợp đồng. Vì 3 tháng đầu năm không có lương chi trả cho số diễn viên này. Số diễn viên nằm trong biên chế, ăn lương từ ngân sách nhà nước phần lớn đã già, ít diễn”. Về vấn đề khán giả, NSND Thúy Mùi, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam từ nhiều năm qua cũng đau đáu đi tìm lời giải thông qua nhiều dự án hướng tới khán giả trẻ như sân khấu học đường, thay đổi trong cách tiếp cận công chúng... nhưng hiệu quả vẫn rất khiêm tốn.

Vẫn có những điểm sáng

Mặc dù nhiều đơn vị còn đang gặp khó khăn trong hoạt động nhưng nghệ thuật biểu diễn ở Hà Nội vẫn có nhiều điểm sáng, giúp chúng ta có niềm tin Hà Nội có điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực này nếu tập trung đúng hướng.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Nhà hát Múa rối Thăng Long là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Thủ đô. Đây cũng là nhà hát có thành tích rất đặc biệt: Là nhà hát múa rối duy nhất tại châu Á biểu diễn liên tục 365 ngày trong năm với hơn 2.000 chương trình múa rối nước và đã giới thiệu bộ môn nghệ thuật múa rối nước Việt Nam tới hơn 50 quốc gia. Kỷ lục của Nhà hát Múa rối Thăng Long cho thấy nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có thể trở thành chủ lực trong công nghiệp văn hóa.

Nghệ thuật mang màu sắc truyền thống khi kết hợp với công nghệ biểu diễn hiện đại còn có khả năng tạo ra những tác phẩm lớn, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với công chúng trong nước. Chẳng hạn, vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ” - chương trình biểu diễn thực cảnh độc đáo ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội - đã liên tiếp xác nhận nhiều kỷ lục và được trao giải thưởng quốc tế danh giá. Có thể kể tới 2 kỷ lục Guinness Việt Nam như "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam”; giải vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương năm 2018, giải “Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019” của Hàn Quốc... “Tinh hoa Bắc Bộ” còn được kênh truyền hình CNN nhận xét là “vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội”. Đó là sự ghi nhận vô cùng ý nghĩa của cộng đồng quốc tế dành cho vở diễn thực cảnh đầu tiên của Hà Nội.

Lễ hội âm nhạc “Gió mùa” (Monsoon Music Festival) do nhạc sĩ Quốc Trung làm tổng đạo diễn từ nhiều năm qua đã trở thành thương hiệu văn hóa - âm nhạc đặc sắc của Thủ đô. Qua 5 mùa tổ chức trực tiếp trên sân khấu (từ năm 2014 đến 2019, riêng năm 2020 do diễn biến dịch Covid-19 nên chương trình được làm theo hình thức online), đã có 250 nghệ sĩ biểu diễn trong nước và quốc tế góp mặt, khoảng 170.000 lượt khán giả tham gia...

Công nghiệp văn hóa được hiểu đơn giản là một ngành công nghiệp bao gồm các hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa gắn với yếu tố sáng tạo phục vụ cho thị trường, yếu tố thị trường có thể nói là "thước đo" quan trọng. Rõ ràng, Hà Nội đã và đang có những chương trình thực sự tạo được thương hiệu riêng, thu hút được rất đông khán giả quan tâm thưởng thức. Với những thành công về số lượng người xem, các chương trình kể trên có thể coi là những gợi ý quan trọng khi chọn thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa.

Nỗ lực tập trung vào thế mạnh

Việc xác định đúng và tập trung vào lĩnh vực thế mạnh là một đòi hỏi quan trọng nhằm đảm bảo đưa nghệ thuật biểu diễn trở thành ngành công nghiệp văn hóa thành công. Các cuộc tọa đàm về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” do Thành ủy Hà Nội tổ chức gần đây đều nhấn mạnh tới việc nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) cho rằng: “Xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội phải bắt đầu từ việc tìm một bản sắc riêng biệt cho thành phố này”.

Dự thảo Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu: “Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng, lợi thế riêng có của Thủ đô”. Với riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đây cũng là đòi hỏi hết sức quan trọng, đảm bảo cho việc tập trung có hiệu quả vào một số lĩnh vực thế mạnh như âm nhạc, nghệ thuật truyền thống kết hợp với công nghệ biểu diễn hiện đại, các chương trình nghệ thuật đường phố nhằm thúc đẩy phát triển du lịch...

Với quan điểm “Văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển bền vững Thủ đô”, Hà Nội đặt quyết tâm chính trị rất cao trong việc thực hiện thành công công nghiệp văn hóa. Điều này đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô cũng phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt khó. Khó khăn thách thức rất nhiều, đặc biệt là khi đa số các nhà hát của Thủ đô còn đang “đau đầu” với vòng luẩn quẩn cả trong sáng tác, dàn dựng và quảng bá như kể trên. Tuy nhiên, xã hội hóa hay công nghiệp hóa là xu thế tất yếu, là đòi hỏi của thời đại mà chúng ta phải sẵn sàng đón nhận và thực hiện từng bước sao cho hiệu quả nhất.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục