Phát triển đội ngũ cán bộ nữ: Vượt rào cản, nâng vị thế

- Sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý không chỉ là thước đo của bình đẳng giới mà còn là nhân tố quan trọng, tạo đà bứt phá cho sự phát triển toàn diện của mỗi địa phương. Trong những năm qua, Tuyên Quang đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác phát triển cán bộ nữ, khẳng định vị thế và khả năng làm chủ của phụ nữ trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Vai trò nữ giới được khẳng định

Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo các cấp cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Hiện tổng thể, tỷ lệ cán bộ nữ toàn tỉnh chiếm 52,38% tổng số cán bộ. Điều này cho thấy phụ nữ Tuyên Quang đã và đang đóng góp một lực lượng đáng kể vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt 31,25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 83,33%.

Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp cũng ở mức cao, cụ thể: cấp tỉnh đạt 35,5%; cấp huyện 35,71%; cấp xã 30,87%. Các tỷ lệ này không chỉ phản ánh sự tiến bộ trong công tác bình đẳng giới mà còn cho thấy sự tin tưởng của cử tri và hệ thống chính trị đối với năng lực của cán bộ nữ. Ở nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ nữ đang đảm nhiệm vai trò chủ chốt và thự

hiện xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Đặc biệt, tại HĐND tỉnh Tuyên Quang, cả ba đồng chí trong Thường trực HĐND gồm Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch đều là nữ. Đây là minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển vững chắc của đội ngũ cán bộ nữ và khẳng định rõ năng lực, bản lĩnh, sự toàn diện trong công tác lãnh đạo của các đồng chí.

Với phong cách điều hành linh hoạt, sâu sát thực tiễn, các đồng chí nữ trong Thường trực HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, thể hiện vai trò hạt nhân trong việc giám sát, quyết định các vấn đề lớn của địa phương.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nông Thị Bích Huệ, trao đổi cùng chị em phụ nữ xã Chân Sơn (Yên Sơn).

Cán bộ nữ thường có tính kỷ luật cao và sự bền bỉ trong công việc. Nhiều cán bộ nữ trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số đang nắm giữ các chức vụ quan trọng như Bí thư, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Họ được đào tạo bài bản, thể hiện được vai trò của mình thông qua khả năng thấu cảm, vận động và xử lý khéo léo những việc khó, gắn bó mật thiết với nhân dân, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong hành trình đổi thay của Thái Hòa hôm nay, dấu ấn của người đứng đầu cấp ủy thể hiện rõ rệt trong từng quyết sách, từng phong trào và sự gắn bó với nhân dân. Đồng chí Quách Thị Minh Nguyệt, Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa, không chỉ là người truyền cảm hứng mà còn là hạt nhân đoàn kết, quy tụ cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng chung tay xây dựng quê hương.

Với phong cách lãnh đạo sâu sát cơ sở, luôn lắng nghe và đối thoại trực tiếp với dân, đồng chí đã khơi dậy được tinh thần tự giác, chủ động trong mỗi người dân từ việc hiến đất làm đường, xây dựng hạ tầng, đến giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất. Nhờ sự quyết đoán, mềm dẻo nhưng kiên trì của người đứng đầu cấp ủy như chị Nguyệt, Thái Hòa đã và đang từng bước vươn lên, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Hàm Yên.

Chi bộ thôn 10, xã Tân Long (Yên Sơn) nhiều năm liền được Đảng bộ xã lựa chọn là chi bộ điểm thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt” và đều hoàn thành xuất sắc các tiêu chí. Thành công đó có dấu ấn quan trọng của đồng chí Hoàng Thị Hằng, Bí thư Chi bộ. Chị luôn tâm niệm rằng: “Chi bộ tốt phải bắt đầu từ người đứng đầu tốt”. Với phương châm “nêu gương trước, lan tỏa sau”, đồng chí Hằng không chỉ giữ vai trò hạt nhân đoàn kết trong chi bộ, mà còn là người khơi nguồn, thúc đẩy phong trào thi đua tại địa phương.

Trước mỗi nhiệm vụ, chị Hằng luôn cân nhắc, lựa chọn cách làm phù hợp với đặc thù địa bàn, đồng thời đề cao nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chính nhờ sự sâu sát, thấu hiểu cơ sở, Bí thư Chi bộ thôn 10 đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên đến người dân, yếu tố cốt lõi làm nên sức mạnh của chi bộ vững mạnh tiêu biểu.

Những kết quả trong công tác phát triển cán bộ nữ ở Tuyên Quang đã khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Nhiều địa phương xem việc có cán bộ nữ lãnh đạo là một lợi thế, không ít địa phương có nữ bí thư, chủ tịch, nơi đó phong trào đi vào chiều sâu, đồng thuận được nâng cao.

Những rào cản...

Hiện nay, nhiều địa phương vẫn đối mặt với khó khăn do định kiến giới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở một số địa phương vùng cao như huyện Na Hang và Lâm Bình, số lượng cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền vẫn còn ít so với yêu cầu và tiềm năng.

Tại xã Xuân Lập (Lâm Bình) hiện chỉ có 3/21 cán bộ, công chức xã là nữ. Đây là con số rất khiêm tốn, phản ánh rõ khó khăn trong công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ tại địa phương này. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, cùng với nhận thức lạc hậu trong cộng đồng. Nhiều gia đình vẫn còn quan niệm “con gái không cần học cao”, phụ nữ thì phải chăm lo việc tề gia nội trợ... Hạn chế về tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số một số nơi đã dẫn tới những rào cản trong công tác cán bộ nữ.

Các nữ đại biểu tham dự Đại hội Dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV trao đổi học tập kinh nghiệm công tác.

Chị Lò Mai Hoa, Bí thư Chi bộ thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập chia sẻ: Bản thân chị đã phải vượt qua định kiến về việc “con gái không cần học cao” để hoàn thành cấp 3. Sau khi lập gia đình, chị được chồng ủng hộ học thêm Trung cấp lâm nghiệp. Có kiến thức nên chị tự tin hơn khi triển khai các nhiệm vụ của chi bộ. Hiện chi bộ mới chỉ có 3/20 đảng viên là nữ, nên chị tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em trong thôn tích cực học tập để vươn lên vượt qua rào cản định kiến về giới. 

Đồng chí Hoàng Quang Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Na Hang cho rằng: Những khó khăn trong phát triển cán bộ nữ không chỉ đến từ điều kiện khách quan như dân trí thấp, mà còn do áp lực kép trong gia đình và xã hội, cùng với tâm lý e ngại, thiếu mạnh dạn trong giao nhiệm vụ của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là người đứng đầu khiến cho việc phát hiện, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ ở một số nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.

Cần có giải pháp chiến lược

Theo đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Việc chậm phát triển đội ngũ cán bộ nữ ở một số địa phương xuất phát từ sự thiếu quyết liệt trong lãnh đạo của một số cấp ủy và chưa có giải pháp đồng bộ, cụ thể. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Tuyên Quang đã xác định lộ trình rõ ràng, trong đó có Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2030, kết hợp với triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Từ thực tế phát triển đội ngũ cán bộ nữ ở một số địa phương cho thấy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phát hiện các nhân tố có thể bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch trở thành cán bộ nữ các cấp. Bên cạnh đó cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức, tư duy, phá bỏ các định kiến về giới ngay từ cơ sở để ngay từ gia đình và xã hội đều tạo điều kiện thuận lợi để nữ giới được học tập, rèn luyện, có nhiều cơ hội thể hiện khả năng của bản thân, cống hiến cho cộng đồng. Ngoài ra, các mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, được học tập cần được quan tâm triển khai.

Đội ngũ cán bộ nữ đã góp phần mang lại những đổi mới về phương thức lãnh đạo, tăng tính mềm dẻo và hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Khi phụ nữ được tạo điều kiện phát triển, họ không chỉ khẳng định vai trò cá nhân mà còn lan tỏa những giá trị tiến bộ, cống hiến nhiều hơn cho xã hội.


Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Xuân 
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh 

Tạo điều kiện để phụ nữ tự tin khẳng định

Cán bộ nữ của tỉnh Tuyên Quang ngày càng thể hiện rõ vai trò trong hệ thống chính trị, với tỷ lệ tham gia cấp ủy, HĐND và giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở thuộc nhóm cao so với bình quân cả nước. Nhiều đồng chí là cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và gắn bó mật thiết với cơ sở.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đội ngũ cán bộ nữ vẫn gặp không ít trở ngại. Định kiến giới, tâm lý e ngại trao quyền, cùng với áp lực cân bằng giữa công việc và gia đình khiến nhiều nữ cán bộ dù có năng lực vẫn ít cơ hội thử sức. Bên cạnh đó, cơ chế tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng chưa đồng bộ cũng là rào cản cần tháo gỡ.

Muốn có cán bộ nữ giỏi, chúng ta phải bắt đầu từ cơ sở, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn. Việc lồng ghép yếu tố giới trong quy hoạch, bổ nhiệm là hết sức cần thiết, đồng thời ưu tiên tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ trẻ, đặc biệt là cán bộ nữ dân tộc thiểu số để họ có đủ năng lực, bản lĩnh vươn lên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu nhân tố nữ tiêu biểu từ cơ sở. Hội sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ, giúp phụ nữ tự tin khẳng định vai trò trong công tác lãnh đạo, quản lý.


 

Đồng chí Quan Thị Phượng
Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã, Chủ tịch HĐND xã Đại Phú (Sơn Dương)

Rèn luyện để khẳng định năng lực

Khi được giao nhiệm vụ, tôi luôn xem đó là một trách nhiệm to lớn, đòi hỏi sự cống hiến hết mình. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy đây là một cơ hội quý báu để bản thân được thử thách, rèn luyện và khẳng định năng lực của mình. Phụ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở thường phải đối mặt với nhiều áp lực hơn.

Chúng tôi không chỉ cần có bản lĩnh mà còn phải khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại cộng đồng. Vừa phải quán xuyến việc nhà, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đó là một thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, chính những khó khăn đó lại là động lực để chúng tôi nỗ lực phấn đấu, học hỏi và trưởng thành.

Để phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý, tôi nghĩ rằng cần có một môi trường thuận lợi để chị em được rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển. Điều này không chỉ đến từ sự tin tưởng, trao quyền của tổ chức mà còn là sự hỗ trợ, động viên từ đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng. Khi phụ nữ được tạo điều kiện tối đa để phát huy năng lực, họ sẽ đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển chung của địa phương.  


Anh Lương Văn Nghĩa
thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa)

Cán bộ nữ luôn “tròn vai”

Với đặc thù là địa bàn vùng cao, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế, cán bộ nữ tham gia cấp ủy tại địa phương cũng là trở ngại lớn. Nhưng bằng quyết tâm không ngại vất vả, đi đầu trong mọi phong trào từ vận động bà con làm nhà, làm đường đến tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh ở khu dân cư, cán bộ nữ ở đây luôn làm “tròn vai”, tâm huyết và đầy trách nhiệm.

Chính vì vậy, cán bộ nữ được người dân và Nhân dân rất tin yêu. Thời gian tới, sau khi sắp xếp địa giới hành chính, chúng tôi mong muốn cấp ủy các cấp quan tâm bố trí, sắp xếp, rèn luyện và tạo cơ hội để cán bộ nữ được phát huy năng lực, sáng tạo và cống hiến.

Thanh Trà

Tin cùng chuyên mục