Phóng viên: Thưa đồng chí, huyện Yên Sơn đã hình thành các vùng chuyên canh, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân. Đồng chí có thể phác thảo bức tranh tổng thể kinh tế nông nghiệp Yên Sơn thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Hữu Phương: Huyện Yên Sơn đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, sớm xác định được sản phẩm thế mạnh, từ đó đã khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra lượng sản phẩm nông nghiệp lớn.
Huyện đã thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo 4 vùng: vùng thượng huyện phát triển cây ăn quả như bưởi, chuối, hồng không hạt; vùng ATK phát triển rừng trồng; vùng hạ huyện phát triển cây chè và vùng trung tâm huyện. Đến nay, huyện có diện tích trồng bưởi lớn nhất tỉnh, với hơn 5.000 ha.
Đồng chí Nguyễn Hữu Phương
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn
Doanh thu từ cây bưởi hàng năm đạt trên 800 tỷ đồng. Đặc biệt, bưởi Soi Hà của huyện được Cục sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; được vinh danh đạt Top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2018. Đây là điều kiện thuận lợi để quả bưởi Yên Sơn khẳng định vị thế trên thị trường.
Phát triển rừng sản xuất, chè nguyên liệu đã được thực hiện theo đúng quy hoạch. Diện tích rừng sản xuất toàn huyện là trên 60.000 ha, vùng chè nguyên liệu với 2.500 ha. Yên Sơn cũng là một trong 3 huyện đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, với gần 2.000 tỷ đồng/năm.
Phóng viên: Một trong những “dấu son” trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện là gắn với xây dựng nông thôn mới. Đề nghị đồng chí chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện?
Đồng chí Nguyễn Hữu Phương: Chủ trương của huyện là khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia vào chuỗi liên kết, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, tiếp cận thị trường. Chẳng hạn, đối với cây bưởi, huyện đã làm việc với các xã phát huy vai trò của hợp tác xã nông lâm nghiệp trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân như Hợp tác xã trái cây hữu cơ xã Phúc Ninh; Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân...
Công ty cổ phần Giấy An Hòa hỗ trợ cây giống trồng rừng cho các hộ gia đình, cá nhân. Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Tập đoàn An Việt Phát ký hợp đồng ứng vốn để đầu tư cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm... đầu tư dây chuyền, máy thiết bị chế biến chè, liên kết bao tiêu sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn huyện.
Huyện Yên Sơn đã khuyến khích, liên kết sản xuất theo tổ nhóm, hợp tác xã, trong đó đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ; tập huấn kỹ thuật, mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ cho nông dân, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Đoàn Đại sứ quán Lào tại Việt Nam tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm trồng bưởi tại xã Phúc Ninh (Yên Sơn).
Với sự nỗ lực trong phát triển các chuỗi giá trị đã mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là nền móng quan trọng để xây dựng nông thôn mới bền vững. Đến nay, toàn huyện đã có 14/27 xã đạt nông thôn mới. Trong đó, xã Thái Bình là xã đầu tiên của tỉnh đạt nông thôn mới kiểu mẫu; xã Hoàng Khai, Kim Quan đạt nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 42,87 triệu đồng/người/năm. Kết thúc năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 20,33%, giảm 5,04% so với năm 2021.
Phóng viên: Từ thực tiễn của huyện Yên Sơn, theo đồng chí làm thế nào để phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững?
Đồng chí Nguyễn Hữu Phương: Trước hết, cấp ủy, chính quyền huyện tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Để phát triển bền vững phải chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên quy mô lớn. Đồng thời, thúc đẩy hình thành, phát triển vùng chuyên canh nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản; phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; chú trọng hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã làm cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp; xây dựng thêm nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Cấp ủy, chính quyền huyện có giải pháp thu hút, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, các chuyên gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp; huy động các nguồn lực để đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, huyện tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh, phát triển bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi
In bài viết