Là sự kiện do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện, hội thảo cũng có sự tham dự của lãnh đạo và chuyên viên đến từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu, chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô - xe máy đang hoạt động tại Việt Nam…
Tại hội thảo, các chuyên gia giới thiệu về chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện; các chính sách phát triển xe điện. Các đại biểu tham dự cũng đã dành thời gian trao đổi và thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với việc thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện ở Việt Nam, về chính sách, hạ tầng và thị trường; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và xu thế của quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển loại hình phương tiện này ở Việt Nam.
Các kết quả nghiên cứu được viện dẫn tại hội thảo cho thấy, ngành Giao thông Vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện hóa được đánh giá có ưu thế.
Thực tế, thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021, số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022, cả nước có gần 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện đang hoạt động.
Các tham luận tại hội thảo cũng chỉ ra, là nước đang phát triển, tiến trình công nghiệp hóa mới chỉ bắt đầu trong hơn 3 thập kỷ, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới. Với mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội *GDP) từ 6,5% đến 7% mỗi năm, các ngành và lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo để phát triển kinh tế đang là những ngành có mức độ phát thải khí nhà kính cao, việc đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải mạnh mẽ tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có thể sẽ dẫn đến những thách thức to lớn đối với tăng trưởng kinh tế và điều tiết hài hòa giữa các ngành kinh tế.
Cũng theo các chuyên gia, cam kết mạnh mẽ tại COP26 chính là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế nói chung và ngành Giao thông Vận tải nói riêng sang phương thức phát triển xanh. Đây cũng là cơ hội để ngành Giao thông Vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời, tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân…
Trên cơ sở đó, nhiều phát biểu tại hội thảo cho rằng, việc sớm có được những chính sách và sáng kiến về chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ giúp ngành công nghiệp về phương tiện không phát thải của Việt Nam phát triển nhanh và mạnh mẽ tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nhấn mạnh đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp phương tiện, trang thiết bị không phát thải còn khá non trẻ của nước ta.
Gửi phản hồi
In bài viết