Phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các DTTS trong tỉnh, nhằm tiếp tục khẳng định đường lối kiên định, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.

   Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh với người có uy tín, lực lượng cốt cán tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Ảnh: Quốc Việt

Trước thềm đại hội, Phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh về những thành tựu, kết quả đã đạt được, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2024 - 2029.  

Phóng viên: Thưa đồng chí, những thành tựu nổi bật nào đã đạt được trong nhiệm kỳ qua đối với công tác dân tộc của tỉnh, và đâu là những điểm nhấn đáng chú ý nhất?

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Đồng chí Ma Quang Hiếu: Trong thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần.

Thông qua việc thực hiện các chính sách đã giúp cho người dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó từng bước nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất canh tác được nâng lên rõ rệt.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống được quan tâm, đầu tư xây dựng, qua đó giúp đồng bào có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Công tác bố trí, sử dụng cán bộ, thực hiện chính sách ưu tiên đối với cán bộ là người DTTS được sự quan tâm. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp có phẩm chất, đạo đức và năng lực trình độ chuyên môn ngày càng cao.

Các chính sách phát triển giáo dục đối với học sinh vùng DTTS, miền núi đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy.

Việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống đồng bào các dân tộc, là nguồn lực quan trọng cho công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS; bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều thay đổi.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Tuyên Quang  lần thứ IV, năm 2024.

Phóng viên: Theo đồng chí, những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới của Đại hội là gì? Làm thế nào để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này?

Đồng chí Ma Quang Hiếu: Trong nhiệm kỳ mới, Đại hội đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất. Giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; tiếp tục thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, nhóm các DTTS còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, kết nối vùng sản xuất hàng hóa.

Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, phát triển công nghệ thông tin trong vùng đồng bào DTTS. Tăng cường thực hiện công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới y tế ở cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, ngành Dân tộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; thực hiện thể chế hóa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân.  Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS - miền núi phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân…

Phóng viên:  Theo đồng chí, đâu là những khó khăn và thách thức lớn nhất trong công tác dân tộc hiện nay? Và làm thế nào để huy động sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức chính trị - xã hội vào công tác dân tộc?

Đồng bào dân tộc Dao ở xã Trung Hà (Chiêm Hóa) giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng chí Ma Quang Hiếu: Những khó khăn và thách thức lớn nhất trong công tác dân tộc hiện nay là chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo; chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nên còn gặp nhiều khó khăn đối với thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, bản sắc văn hóa của một số dân tộc đang đứng trước thực trạng bị mai một; các giá trị văn hóa truyền thống của một số dân tộc chưa được phát huy tốt.

Để huy động sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức chính trị - xã hội vào công tác dân tộc, Ban dân tộc xác định cần tiếp tục nâng cao vai trò phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong công tác dân vận tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi có trình độ, hiểu biết, có uy tín gắn bó với đồng bào DTTS. Chăm lo đến xây dựng cơ cấu, đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS.

Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm đúng quy định. Bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, khó khăn, phát sinh tại cơ sở; chủ động nghiên cứu tổng kết thực tiễn, tìm những biện pháp thiết thực có hiệu quả. 

Như vậy, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội về công tác dân tộc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn.


 

Cánh chim đầu đàn ở Tiên Tốc

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Giàng A Chềnh (trong ảnh), dân tộc Mông, thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) luôn phát huy được vai trò trách nhiệm của mình.

Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với ông Chềnh là sự điềm đạm, sống giản dị, mẫu mực. Với trách nhiệm, niềm tin bà con gửi gắm, ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ ở địa phương. Phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới ở địa phương. 

Ông Chềnh chia sẻ: “Là người uy tín trong cộng đồng, tôi xác định phải luôn là người tiên phong, gương mẫu để bà con làm theo”. Ông Chềnh đã tích cực tuyên truyền vận động bà con hưởng ứng các phong trào: Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Vận động người dân thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Gia đình ông đã hiến 600 m2 đất để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi. Qua đó góp phần lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới, thu hút 30 hộ dân hiến 2.500 m2 đất xây dựng các công trình hạ tầng. 

Ông Chềnh còn là một trong những tấm gương làm kinh tế tiêu biểu với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay, gia đình ông có gần 2 ha rừng keo và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm đã giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tổng thu nhập hàng năm từ các mô hình kinh tế đạt trên 100 triệu đồng.

Đồng chí Ma Công Thành, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: “Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân cư, ông Chềnh đã nêu gương sáng trong các phong trào thi đua, cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động. Thời gian tới, xã mong muốn ông tiếp tục là “cánh chim đầu đàn” trên mọi lĩnh vực.                   

Bài, ảnh: Minh Hoa


Trách nhiệm, vì dân

Đồng chí Lâm Thị Hiếu (trong ảnh), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thành Long (Hàm Yên) luôn xác định vai trò trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân, luôn khắc phục mọi khó khăn để lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
20 năm gắn bó với công tác địa phương, từ Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Hội LHPN, Phó Bí thư thường trực rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thành Long dù ở cương vị nào đồng chí Hiếu cũng luôn tận tụy, hết lòng vì công việc, lãnh đạo nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Hiểu rõ những khó khăn của địa phương, đồng chí Hiếu đã lãnh đạo, định hướng cùng chính quyền xã, chi bộ các thôn, đồng thời, tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, làm công tác tham mưu huy động các nguồn vốn phân bổ xây dựng địa phương phát triển; phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, tháng 8-2024 vừa qua, xã vừa đón nhận bằng đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt mức 45,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10,5%; 100% các thôn đã có đường cho xe ô tô đến trung tâm xã; 100% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng điện an toàn; tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,46%…

Năm 2024, Đảng ủy xã xác định giải phóng 5,3 km mặt bằng phục vụ làm đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn xã là việc đột phá, trọng tâm. Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Hiếu cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã đã dành nhiều thời gian nghiên cứu văn bản, chính sách của Nhà nước; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời giải quyết vướng mắc, đảm bảo quyền lợi của người dân. Đến nay, xã đã hoàn thành 2 khu tái định cư; 180 hộ trong diện giải phóng mặt bằng đã đồng thuận các phương án đền bù, tái định cư.

Ghi nhận những đóng góp của đồng chí Lâm Thị Hiếu, những năm qua nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp đã được trao tặng. Đồng chí Hiếu vinh dự là đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2024. 

                    Bài, ảnh: Vân Anh


Hết mình với công tác phụ nữ

Gần 4 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Minh Quang, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) là chừng ấy năm chị Đặng Thị Nga (trong ảnh), luôn cống hiến hết mình cho công tác phụ nữ, cho lợi ích chính đáng cho người dân địa phương.

Chi hội phụ nữ thôn Minh Quang có gần 50 hội viên. Là một thôn khó khăn, hội viên chủ yếu là người dân tộc Dao. Là Chi hội trưởng phụ nữ, chị Nga luôn gương mẫu đi đầu, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua của hội, các kiến thức nuôi dạy con, phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học đạt 100%, không có học sinh bỏ học. Thôn duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các trò chơi dân gian như đánh yến, đánh pam, tung còn, đẩy gậy... và các làn điệu hát Páo dung.

Là thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chị Nga chủ động phối hợp với thôn, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng phổ biến các văn bản liên quan đến công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Trong những năm qua trên địa bàn thôn không phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự, khiếu kiện đông người, không có hiện tượng chia rẽ mất đoàn kết giữa các dân tộc. Hằng năm, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đều đạt từ 90% trở lên.

Không chỉ trách nhiệm, tâm huyết tham gia công tác hội, chị Nga còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Gia đình chị sản xuất 6 ha đất lâm nghiệp trồng các loại cây keo, quế, sơn, mỡ. Ngoài ra, chị còn trồng lúa, ngô, chăn nuôi lợn, gà, tăng thu nhập. Cả 2 con chị đều chăm ngoan, học giỏi.

Với những đóng góp tích cực, chị Đặng Thị Nga luôn được hội viên, phụ nữ và nhân dân trong thôn quý mến, ủng hộ. Chị vinh dự là đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV năm 2024; được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

                           Bài, ảnh: Bàn Thanh


Giữ vững bình yên ở bản

Thượng úy Trương Thế Công (trong ảnh), dân tộc Pu Péo, cán bộ Đội An ninh dân tộc, Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Tuyên Quang vinh dự là đại biểu tham dự và được khen thưởng tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV năm 2024.

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, Thượng úy Công được phân công về công tác tại Công an huyện Yên Sơn. Đến năm 2020, anh được cấp trên điều động đến công tác tại Phòng An ninh đối nội (nay là Phòng An ninh nội địa) đến nay. Bám sát nhiệm vụ được giao, Thượng úy Công đã thường xuyên bám nắm địa bàn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, nhất là đồng bào Mông.

Đồng thời, chủ động phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là xã Yên Lâm (Hàm Yên), xã Hùng Lợi (Yên Sơn)… Nổi bật là anh đã phối hợp triển khai hiệu quả các công tác đấu tranh, ngăn chặn xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, tổ chức Ân điển cứu rỗi và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, vấn đề phát sinh vùng tôn giáo.

Thượng úy Công đã trực tiếp tuyên truyền, vận động hơn 60 hộ với 320 khẩu đồng bào Mông cam kết, từ bỏ, không tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; hơn 60 người từng bị ảnh hưởng đã tự nguyện cam kết từ bỏ không tin theo tổ chức Ân điển cứu rỗi… Qua đó, góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ bình yên nơi các bản làng. Bên cạnh đó, anh đã chủ động tham mưu, hướng dẫn và phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, duy trì hoạt động của 10 mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Với những thành tích trong công tác, Thượng úy Trương Thế Công liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ Tiên tiến” các năm 2021, 2022, 2023 và vinh dự được nhận nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh.

  Bài, ảnh: Công Vượng

Thực hiện: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục