Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.
Chiến lược đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời: Tỷ lệ trẻ 6-23 tháng tuổi có chế độ ăn đúng, đủ đạt 80% vào năm 2030; tỷ lệ hộ gia đình thiếu an ninh thực phẩm mức độ nặng và vừa giảm dưới 5% (khu vực miền núi dưới 20%) vào năm 2030. Tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 90% ở khu vực thành thị và 80% ở khu vực nông thôn vào năm 2030.
Tỷ lệ bệnh viện tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý cho người bệnh đạt 90% đối với tuyến Trung ương, tuyến tỉnh; 75% đối với tuyến huyện vào năm 2025 và phấn đấu đạt 100% đối với tuyến trung ương, tuyến tỉnh; 80% đối với tuyến huyện vào năm 2030.
Chiến lược đặt chỉ tiêu, đến năm 2030, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi theo giới tăng 2-2,5cm đối với nam và 1,5-2cm đối với nữ so với năm 2020.
Bên cạnh đó, Chiến lược cũng nêu mục tiêu đến năm 2025, 100% các tỉnh, thành phố có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có kế hoạch ứng phó, tổ chức đánh giá, triển khai can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu trong tình huống khẩn cấp và duy trì đến năm 2030. Đến năm 2045, mọi người dân đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng nhằm góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết