Cảnh trong phim "Cuộc chiến không giới tuyến".
Dấu ấn 2023
Năm 2023, phim truyền hình Việt phát sóng trong khung giờ vàng có nhiều khởi sắc. Điểm sáng đầu tiên phải kể đến là sự đa dạng về đề tài, có nhiều bộ phim với những mảng đề tài khác nhau nhận được phản hồi tích cực của khán giả. Phim về tình yêu và tuổi trẻ có “Không ngại cưới, chỉ cần một lý do”, “Chúng ta của 8 năm sau”, “Đừng làm mẹ cáu”; mảng đề tài gia đình có “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Dưới bóng cây hạnh phúc”, “Nơi giấc mơ tìm về”, “Món quà của cha”; dòng phim cảnh sát hình sự, công an có “Biệt dược đen”; phim về người lính là “Cuộc chiến không giới tuyến”; phim về cuộc sống của người dân lao động xóm chợ nghèo là “Cuộc đời vẫn đẹp sao”...
Điểm sáng rõ nhất là sự thay đổi về cách thức truyền tải nội dung phim. Nhìn lại phim truyền hình Việt năm 2023, chúng ta thấy, nhiều bộ phim khai thác những chủ đề quen thuộc trước đó như đề tài gia đình, cuộc sống thành thị, các đề tài về xã hội... nhưng rõ ràng, góc nhìn, hướng khai thác đã thay đổi tích cực: Sáng tạo và hấp dẫn hơn.
Cùng đề tài cuộc sống vùng biên, cũng vẫn cấu trúc nội dung quen thuộc về đời sống bản làng, quan hệ quân - dân thắm tình đoàn kết, nhưng phim “Cuộc chiến không giới tuyến” đã bỏ qua mô típ cũ là phản ánh hay ca ngợi người chiến sĩ, mà đi sâu khai thác diễn biến, góc khuất số phận từng nhân vật. Từ đó khiến khán giả như thấy mình trong những số phận trên màn ảnh.
Đáng chú ý, năm 2023, các bộ phim về đề tài gia đình với nội dung “chữa lành” thực sự thu hút khán giả, mang đến cho người xem món ăn tinh thần mới mẻ, gần gũi với những thông điệp nhẹ nhàng, nhân văn và đầy ý nghĩa. "Đừng làm mẹ cáu", “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Gia đình mình vui bất thình lình”... là những bộ phim với câu chuyện nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sâu sắc, như một làn gió mới cuốn hút khán giả.
Với những câu chuyện hay, khán giả không cần biết đó là chủ đề gì, thể loại nào vẫn sẽ thích thú thưởng thức, ủng hộ tác phẩm. Bàn về điều này, biên kịch Kim Ngọc từng phân tích: “Nội dung “chữa lành”, nhân văn, đề cao tình mẫu tử, tình yêu, tình người, truyền đi năng lượng tích cực... dễ giúp phim thành công. Hẳn nhiên, để làm được điều này, nhà làm phim cần có những kịch bản hay và cả cách kể chuyện thú vị, không đi vào lối mòn nhàm chán”.
Nhìn lại những phim Việt giờ vàng lên sóng năm 2023, biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương chỉ ra điểm sáng ở khâu lựa chọn diễn viên đắt giá hơn, kịch bản cũng cho thấy sự khắt khe hơn. Cảnh chiến đấu ở biên giới trong “Cuộc chiến không giới tuyến”, cảnh lao động chân tay ở chợ hoa quả Long Biên giữa ngày hè gần 40oC của phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao”... là minh chứng cho thấy diễn viên cùng các thành viên khác trong ê kíp đều có sự lăn xả, không ngại thực hiện những cảnh quay khó.
Là người thường xuyên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật đặc biệt là phim truyền hình và điện ảnh, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đạo diễn chương trình “Giải mã văn hóa”, cho rằng: “Không chỉ trong năm 2023 chúng ta mới thấy sự phá cách trong việc chọn lựa diễn viên phim truyền hình, mà sự thay đổi này đã có từ 5 năm trước. Song, xu hướng trẻ hóa diễn viên và ưu tiên đất diễn cho các diễn viên mới, có ảnh hưởng trên mạng xã hội là bước đi sáng tạo của các nhà sản xuất phim”. Nếu như phim truyền hình trước đây bị mắc vào hai điểm yếu, một là sự già hóa diễn viên, hai là khuôn mẫu hóa kịch bản, thì giờ đây, hai điểm yếu này đã được khắc phục. Phim truyền hình ngày càng trở nên thân thuộc hơn, đời hơn và cảm xúc hơn.
“Một vấn đề rất đáng chú ý trong phim truyền hình năm 2023 đó là xu hướng điện ảnh hóa phim truyền hình. Nhiều cảnh quay đẹp cũng như các kỹ xảo điện ảnh đã được các đạo diễn phim truyền hình từng bước thể nghiệm, mang đến những hiệu ứng thị giác ấn tượng với khán giả” - ông Ngô Hương Giang chia sẻ thêm.
2024 - kỳ vọng gì?
Theo các chuyên gia, phim truyền hình Việt sẽ có một vài xu hướng nổi bật trong năm nay. Đầu tiên, đó là năm mà đề tài gia đình ở thành thị và nông thôn tiếp tục được các nhà sản xuất tập trung khai thác nhưng trên tinh thần sáng tạo, đổi mới từ kịch bản cho đến diễn xuất của diễn viên, cũng như cách triển khai bố cục cho phim. Đó sẽ là một bức tranh đa sắc về góc nhìn, những ẩn khuất trong diễn biến tâm lý nhân vật cũng sẽ được các đạo diễn chú trọng khai thác.
Có thể kể đến tên một số dự án phim gây chú ý sẽ lên sóng trong năm 2024 như “Trạm cứu hộ trái tim” (đạo diễn Vũ Trường Khoa), “Nơi chúng ta thuộc về” (đạo diễn Trần Hoài Sơn), “Những ô cửa trong thành phố” (đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh), “Người một nhà” (đạo diễn Trịnh Lê Phong)...
Năm 2024 cũng là năm mà phim truyền hình Việt tiếp tục xu hướng trẻ hóa diễn viên và ưu tiên đất diễn cho các diễn viên mới. Đây chính là cơ hội để phim truyền hình Việt thu hút được nguồn nhân lực diễn xuất tiềm năng, nhất là những diễn viên trẻ có ảnh hưởng trên mạng xã hội, từ đó mở ra sức lan tỏa trên các nền tảng phát sóng khác.
Năng lực phát sóng phim truyền hình Việt trong năm 2024 được mở rộng phạm vi sang các nền tảng số khác thay vì chỉ phát sóng trên hạ tầng các nhà Đài quen thuộc. Từ đó, xu hướng quốc tế hóa phim Việt cũng được các nhà sản xuất quan tâm. Nhiều bộ phim Việt được kỳ vọng là không chỉ chinh phục được khán giả trong nước, mà sẽ từng bước chinh phục khán giả nước ngoài thông qua nền tảng Netflix xuyên quốc gia vốn rất phổ biến hiện nay.
Để phim Việt Nam năm 2024 tiếp tục có những thành tựu, ông Ngô Hương Giang cho rằng: Cần quan tâm đến ba vấn đề:
Một là, cần đầu tư hơn nữa, đặc biệt là đầu tư tài chính cho phim truyền hình. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” - đối với lĩnh vực phim truyền hình nếu nguồn tài chính tốt thì sẽ có nhiều “đất” để thể hiện, từ các khâu cơ bản như kịch bản, trang thiết bị tiền kỳ, hậu kỳ cho đến diễn viên...
Hai là, nội dung phim có hay hay không ngoài việc diễn xuất của các diễn viên thì kịch bản chính là yếu tố “chìa khóa”. Vì vậy đầu tư cho kịch bản phim, cho đội ngũ biên kịch phim chính là đầu tư 50% giá trị để một bộ phim thành công.
Ba là, cần mở rộng các kênh phát sóng. Giờ đây sự lớn mạnh của các nền tảng số đã phá vỡ thế độc quyền về sóng của các đơn vị sản xuất. Khán giả có thể xem phim ở mọi lúc mọi nơi, trên nhiều công cụ như điện thoại, máy tính... chứ không chỉ trên màn hình tivi nữa. Do đó, các đơn vị sản xuất phim truyền hình cần tính đến sự đa dạng hóa kênh phát sóng để vừa đảm bảo doanh thu nhưng cũng đảm bảo sức lan toả của bộ phim đến với người xem.
Gửi phản hồi
In bài viết