Khó chốt lịch
Nhà sản xuất bộ phim “Em và Trịnh” vừa quyết định lùi lịch chiếu sang năm 2022, thay vì vào dịp Giáng sinh năm nay. Sở dĩ nhà sản xuất quyết định lùi lịch chiếu là do lo ngại các rạp chiếu phim ở nhiều tỉnh, thành phố chưa mở cửa trở lại sau dịch bệnh nên khó có thể hoạt động bình thường vào dịp Giáng sinh. Giới làm phim dự báo phải sang năm 2022, khán giả mới có thói quen ra rạp ổn định.
Không chỉ “Em và Trịnh”, đợt dịch kéo dài vừa qua đã khiến ngành Điện ảnh đóng băng khiến rất nhiều bộ phim dự định ra mắt năm 2021 đã không thể ra rạp và đến nay vẫn chưa chốt được lịch phát hành. Theo thống kê, có hơn chục bộ phim chiếu rạp đã được nhà sản xuất quảng bá rầm rộ, sẵn sàng cho ngày công chiếu nhưng phải dừng và hiện chưa có lịch phát hành mới như “Bẫy ngọt ngào”, “Rừng thế mạng”, “Người lắng nghe: Lời thì thầm”, “578: Phát đạn của kẻ điên”, “1990”, “Chìa khóa trăm tỷ”, “Dân chơi không sợ con rơi”, “Bí mật thiên đường”, “Người tình”...
Nhận định về thị trường chiếu phim hiện nay có sự khác biệt. Trong khi phim “Em và Trịnh” lùi lịch chiếu thì một số nhà làm phim khác đã có động thái ra rạp bởi họ hy vọng tận dụng được “cơn khát phim” của khán giả sau thời gian giãn cách kéo dài. Thực tế, trước đó, một số bộ phim ra rạp vào thời điểm vừa bớt dịch như “Bố già”, “Lật mặt 5”... đã cho doanh thu "khủng"; riêng “Bố già” còn chạm ngưỡng kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Việt với doanh thu khoảng 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng có những bộ phim đã công chiếu được một thời gian ngắn nhưng phải tạm ngừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: “Thiên thần hộ mệnh” của Victor Vũ hay “Trạng Tí” của Ngô Thanh Vân... Chính điều này khiến các nhà sản xuất cảm thấy khó chốt lịch. Thành bại của bộ phim không chỉ phụ thuộc vào chất lượng mà còn vào sự “may rủi” do dịch bệnh.
Cần linh hoạt về phương án
Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các rạp chiếu được hoạt động ở các địa phương có dịch ở cấp độ 1, hoạt động hạn chế có điều kiện nếu dịch cấp độ 2, 3 và ngừng hoạt động nếu dịch ở cấp độ 4. Theo quy định mới, rạp chiếu phim có thể hoạt động linh hoạt dựa trên các điều kiện chống dịch.
Bên cạnh đó, về lâu dài, các nhà làm phim cũng phải tính tới nhiều phương án phát hành khác nhau nhằm đáp ứng linh hoạt với tình hình mới và tối ưu hóa doanh thu. Trong đó, phương án phát hành trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến có thu phí được xem là khả thi nhất.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối năm 2020, truyền hình trả tiền qua internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 1 triệu thuê bao tại Việt Nam, doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Trong thời gian dịch bệnh kéo dài, rất nhiều khán giả thành thị - cũng là đối tượng khách chủ yếu của phim chiếu rạp - đã hình thành thói quen xem phim trực tuyến có trả phí.
Một nghiên cứu về dịch vụ truyền hình trực tuyến tại Việt Nam, do Q&Me thực hiện, cho thấy top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến tại Việt Nam hiện nay gồm FPT Play, Netflix, K+, VTVCab On & Zing TV. Trong số các nội dung mà người tiêu dùng thích xem, phim dài tập/ phim lẻ chiếm tỷ lệ cao nhất với 60%, âm nhạc (50%) và chương trình giải trí/ trò chơi truyền hình/ chương trình thực tế (48%). Đây sẽ là “mảnh đất” màu mỡ của các nhà làm phim, nơi mà họ không phải lo rủi ro như bị hoãn, hủy chiếu vì dịch bệnh. Chiếu phim trực tuyến cũng là xu hướng chung của điện ảnh thế giới. Các giải thưởng điện ảnh lớn nhất thế giới như Oscar 2021 hay Quả cầu vàng 2021 đều đã cho phép phim chiếu trực tuyến tranh giải.
Tại một hội thảo về điện ảnh, bà Ngô Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty BHD đề xuất ý kiến: Để góp phần tối đa hóa lợi nhuận của phim điện ảnh Việt, nên tạo điều kiện cho phim trong nước được phát vào khung giờ vàng trên các nền tảng khác như dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, rơi vào trạng thái tê liệt, khó khăn về mọi mặt. Nhưng, từ trong khó khăn cũng lộ ra cơ hội mà nếu biết nắm bắt, vận dụng phù hợp và có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị, điện ảnh Việt vẫn có khả năng phục hồi nhanh chóng, thích ứng với tình hình mới.
Gửi phản hồi
In bài viết