Đi nhiều sẽ thành đường
Dù chưa khởi chiếu chính thức nhưng mới đây, CGV - nhà phát hành bộ phim điện ảnh kinh dị “Bóng đè” đã hân hoan thông báo: Bộ phim mới nhất của đạo diễn Lê Văn Kiệt đang được săn đón trên thị trường quốc tế với hàng chục nước mua bản quyền phát hành. Cụ thể, CGV dẫn thông tin từ Internet Movie Database (IMDB) - trang cung cấp thông tin dữ liệu phim hàng đầu thế giới, cho biết: Đến thời điểm hiện tại đã có 25 nước ở nhiều châu lục mua bản quyền bộ phim như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Australia, Ai Cập, Indonesia, Iraq, Iran, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Myanmar, New Zealand, Oman, Philippines, Qatar, Saudi Arabia, Sudan, Singapore... Đây là một thông tin đáng mừng nhưng không “gây sốc” bởi đạo diễn Lê Văn Kiệt từng tạo nên thành công vang dội cho bộ phim hành động “Hai Phượng”. Không chỉ thành công ở thị trường trong nước, “Hai Phượng” là bộ phim thành công nhất ở thị trường nước ngoài của Việt Nam từ trước tới nay. Cụ thể, phim được Well Go USA Entertainment và Arclight Films mua bản quyền trình chiếu tại Mỹ, trở thành phim Việt đầu tiên làm được điều này. Ngoài ra, “Hai Phượng” còn được chiếu tại những thị trường điện ảnh hết sức quan trọng như Trung Quốc, được mua bản quyền phát sóng trên Netflix, các hệ thống VOD ở Mỹ: Itunes, Comcast, Amazone, Google Play...
Mới đây, trong buổi công chiếu phim “Lật mặt: 48h”, đạo diễn Lý Hải cũng cho biết, phim của anh đã được nhiều đối tác quốc tế mua bản quyền phát hành. Hầu hết đều là các đối tác đã đồng hành với anh trong việc phát hành các phần phim trước, đặc biệt là phần 4 “Lật mặt: Nhà có khách” tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Australia, Canada... Trước đó ít ngày, bộ phim “Bố già” cũng đã thông báo lịch khởi chiếu tại một số nước trong khu vực như Malaysia, Singapore. Bộ phim “Thiên thần hộ mệnh” của đạo diễn Victor Vũ dù chưa khởi chiếu ở trong nước nhưng cũng đang rục rịch sang Mỹ, Anh, Pháp.
Chuyện phải tính
Rõ ràng, nếu như trước đây chỉ dừng ở hiện tượng đơn lẻ thì giờ đây, việc phát hành phim Việt tại thị trường nước ngoài đã khá phổ biến, trở thành việc phải tính đến của các nhà làm phim ngay từ khi sản xuất. Thành công của một số bộ phim đi trước với “Dòng máu anh hùng”, “Lửa Phật”, “Bẫy rồng”... tại các thị trường lớn của thế giới như khu vực Bắc Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc là bước đi đầu tiên và giờ đây, con đường phát hành phim ra nước ngoài đã hình thành một cách rõ nét.
Để phim được phát hành ở các thị trường khó tính, ngoài việc phải bắt kịp với thế giới về công nghệ, kỹ thuật làm phim, điều quan trọng nhất mà các nhà làm phim trong nước phải tính đến chính là hình thành một câu chuyện phim độc đáo, có bản sắc. Đạo diễn Lý Hải cho biết: “Dòng phim hành động ở Việt Nam được làm không nhiều, trong khi trên thế giới thì đó lại là dòng phim rất ăn khách. Vì vậy, khi làm loại phim này mà muốn đưa ra thế giới thì phải tính đến cái gì rõ là của mình, mang màu sắc Việt Nam mà khán giả thế giới muốn xem”. Trong “Lật mặt: 48h”, đạo diễn này đã “bạo chi” cho những thước phim ngoại cảnh tốn kém. Nhờ thế, người xem được thưởng thức những pha rượt đuổi, hành động gay cấn với bối cảnh "rất Việt Nam" như hẻm sâu Sài Gòn, bè cá, chợ đêm, sông nước miền Tây, chợ nổi, làng người Chăm ở An Giang... Trước đó, phim “Hai Phượng” cũng được đánh giá cao nhờ khai thác thành công yếu tố Việt vào phim hành động. Bên cạnh đó là những câu chuyện về gia đình, đời sống của những người lao động bình dân đậm chất Việt. Và, thành công về doanh thu ở thị trường trong nước cũng là một điểm cộng giúp tác phẩm dễ gây chú ý hơn ở thị trường thế giới.
Mặc dù cho biết phim Việt phát hành ở thị trường nước ngoài mới chỉ đáp ứng nhu cầu quảng bá là chính, nhiều bộ phim được các nền tảng trực tuyến mua lại với giá rẻ song theo đạo diễn Lý Hải, phát hành phim ra nước ngoài vẫn là điều mà các nhà làm phim phải tính đến ngay từ khâu sản xuất bởi đây là xu thế tất yếu. Và, chắc chắn rằng, khi con đường đi đã hình thành, các nhà làm phim trong nước sẽ có thêm động lực sáng tạo hết mình cũng như những kinh nghiệm quý báu để tạo ra thành công lớn hơn, đưa điện ảnh Việt Nam ngày càng đến gần hơn với khán giả thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết