Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà theo dõi đường đi của bão tại Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia.
Nguy cơ của bão số 3 đối với các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đã báo cáo Phó Thủ tướng những tác động về gió mạnh, mưa lớn và những nguy cơ của bão số 3 đối với các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển.
Ông Khiêm cho biết: Bão số 3 được nhận định là một cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Dự báo đến 19 giờ ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/giờ và đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ; cường độ cấp 9, giật cấp 12; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 ở khu vực bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, cấp 3 ở khu vực nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nghe báo cáo về diễn biến bão số 3.
Đến 7 giờ ngày 8/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi sâu vào đất liền các tỉnh Tây Bắc, sau đó suy yếu và tan dần; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá.
Ảnh hưởng của bão gây ra gió mạnh trên các vùng biển và đất liền. Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.
Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9.
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0- 5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.
Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá)-2,0m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9. Ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5m vào khoảng sáng và trưa ngày 7/9.
Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.
Theo ông Khiêm từ ngày 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
“Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương chống bão tại thành phố Hải Phòng
Sau khi nghe báo cáo của Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, công tác dự báo đã đưa ra các dự báo về cường độ, tính phức tạp và diễn biến của cơn bão là chính xác, kể cả hướng đi, sự thay đổi của bão. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định đây là thời điểm cần tiếp tục dự báo hướng đi của bão trong bán kính, cấp độ, phạm vi ảnh hưởng…
“Ảnh hưởng của bão sẽ bắt đầu khoảng từ 13 giờ đến 14 giờ và kéo dài tới 17 giờ chiều 7/9. Đối với những cơn bão lớn như thế này, hoàn lưu sau bão vẫn tiếp tục gây nguy hiểm có thể kéo dài thời gian nguy hiểm cho đến đêm. Việc cảnh báo cần cung cấp chính xác các thời điểm, khu vực bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, những vấn đề về hoàn lưu bão… cần cập nhật chính xác, thường xuyên. Đặc biệt, các đài địa phương, khu vực, đài quan trắc cần tiếp sóng và thông báo trước, sớm để người dân nắm bắt từ đó chủ động ứng phó bão”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tại cuộc họp.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ việc dự báo đã cập nhật, thường xuyên nhưng vẫn cần cập nhật thường xuyên hơn, đặc biệt là thời điểm trung tâm cơn bão vào bờ.
“Đối với hoàn lưu bão ảnh hưởng tới các tỉnh miền núi trung du, cần cung cấp thông tin về lượng mưa để các địa phương sâu trong đất liền chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão có phương án ứng phó. Do đó, công tác dự báo lượng mưa, dự báo về tài nguyên nước, hải văn… cần phối hợp, đưa cập nhật bản tin sớm hơn. Nếu trước đây là 3 giờ/lần, bây giờ cần cập nhật sớm hơn, rút ngắn thời gian đưa bản tin. Dự báo mưa phải đi cùng với dự báo bão để làm sao khi cơn bão chưa đi qua khỏi phạm vi nước ta thì đã có dự báo về lượng mưa", Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các hồ chứa điều tiết, vận hành an toàn hồ đập, tránh tình trạng lũ chồng lũ. Việc kiểm tra phải tiến hành ngay trong ngày hôm nay 7/9.
Từ thực tế Bạch Long Vỹ cho thấy cơn bão gây ảnh hưởng nặng nề, rất nhiều cây lớn đã đổ, người dân không ra được khỏi nhà vì sức gió rất mạnh; hoạt động thông tin liên lạc bị ảnh hưởng trực tiếp; kết nối giữa đài khí tượng tại Bạch Long Vỹ với các đài khác đã bị ảnh hưởng, gián đoạn.
Bởi vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu ngay sau cuộc họp này các cơ quan thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai các nhiệm vụ. Đồng thời sẽ thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương chống bão đặt tại thành phố Hải Phòng để điều phối, chỉ đạo điều hành, duy trì các chế độ điều hành.
Gửi phản hồi
In bài viết