Cách đây không lâu, cả nước bàng hoàng về vụ cháy quán karaoke An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 32 người tử vong và hàng chục người bị thương. Kết luận điều tra của công an cho thấy, cơ sở kinh doanh karaoke An Phú đã vi phạm về thiết kế xây dựng tại tầng 2 bị thay đổi so với sơ đồ kết cấu PCCC, một số phòng hát không đảm bảo kích thước theo quy định là trên 20m2, vào thời điểm xảy ra cháy, hệ thống PCCC như chuông báo cháy, vòi phun nước không hoạt động, không có phương tiện cứu nạn tại chỗ, kịp thời của chủ cơ sở.
Bên cạnh đó, cơ sở này còn vi phạm nhiều quy định khác về PCCC. Sau vụ cháy đau lòng này, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản tổng kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke trên toàn quốc và nghiêm khắc xử lý, dừng hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC.
Sau rà soát, kiểm tra đã có hàng nghìn cơ sở vi phạm bị xử lý và dừng hoạt động do không đủ các quy định về PCCC. Vẫn là bài học về công tác quản lý, nếu như các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cương quyết với các vi phạm, cương quyết với các cơ sở, chung cư, công trình… chưa đáp ứng điều kiện thì đã không xảy ra tiếp những vụ cháy thương tâm.
Với vụ cháy chung cư mi ni vừa qua, một lần nữa lại nhắc nhở chúng ta bài học đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” và cần khắc phục triệt để tư duy này trong công tác PCCC. Nhiều người cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ chỉ cần đủ điều kiện cấp phép PCCC là được mà không hề quan tâm đến việc phải thường xuyên kiểm tra, duy trì, nâng cấp các điều kiện đã được chứng nhận, cho tới khi hậu quả xảy ra. Mấy ngày nay, nếu vào mạng Internet, đã có rất nhiều bài viết của các cơ quan chức năng hướng dẫn về cách PCCC trong các chung cư mi ni, các công trình…
Không chỉ có chung cư mi ni của bị can Nghiêm Quang Minh ở phố Khương Hạ - nơi xảy ra vụ cháy kia vi phạm các quy định về PCCC mà qua kiểm tra tại một chung cư mi ni khác của đối tượng tại Thái Hà cũng cho thấy có dấu hiệu vi phạm các quy định về PCCC như hệ thống chữa cháy không hoạt động, tòa nhà chưa được trang bị các dụng cụ phá dỡ, bảo hộ chống khói, cầu thang, lối thoát nạn tại một số tầng có bố trí đồ dùng, vật dụng gây cản trở thoát nạn….
Và cũng trong những ngày qua, công an các địa phương được yêu cầu tham mưu với chính quyền cùng cấp chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát thực hiện các quy định về PCCC đối với loại hình chung cư mi ni, nhà trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện các sai phạm. Đến ngày 15/9 đã có 3 tổ chức Đảng bị kiểm tra sau vụ cháy chung cư mi ni nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn Thanh Xuân”. Thế nhưng vẫn không ít người cho rằng, nếu như ngay từ đầu, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm đến công tác chỉ đạo rà soát, kiểm tra thường xuyên các quy định về PCCC thì những vụ cháy đau lòng đã khó có thể xảy ra.
Đến nay, Trung ương đã tổ chức cả một hội nghị toàn quốc về công tác PCCC. Thủ tướng Chính phủ đã gửi đi các thông điệp với một tinh thần hành động quyết liệt rằng không được làm ngơ với công tác PCCC, kiên quyết với các cơ sở đã hoạt động nhưng không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trước đó cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ Trung ương yêu cầu tăng cường PCCC với tinh thần “phòng còn hơn chữa”, thế nhưng sau mỗi vụ cháy, nhiều nơi mới sốt sắng, ráo riết kiểm tra, rà soát, xử lý việc chấp hành các quy định về PCCC.
Cần phải thường xuyên hơn, mạnh tay hơn, kiên quyết hơn đối với công tác chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về PCCC, chứ không thể quen với tư duy về công tác PCCC theo lối “mất bò mới lo làm chuồng” như hiện nay ở nhiều địa phương. Có như vậy mới không xảy ra thảm kịch do vi phạm các quy định về PCCC.
Gửi phản hồi
In bài viết