Lựa chọn an toàn hay kinh tế

- Vừa nghe được thông tin Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến của nhân dân về đề xuất quy định thời gian lái xe liên tục không được quá 3 tiếng trong khung giờ từ 22 giờ hôm trước tới 6 giờ hôm sau, anh bạn tôi lái xe đường dài đã quả quyết: “Không phù hợp tí nào. Tôi giao hàng cấp đông, đi qua nhiều tỉnh, thành. Nếu quy định như vậy sẽ chậm ảnh hưởng đến quá trình giao hàng, giảm chất lượng hàng hoá”. Tôi cười bảo: “Tôi thì lại thấy phù hợp đấy. Thấy ông cứ một mình vào Nam ra Bắc nghĩ đã thấy ghê. Có quy định này, ông có lý do chính đáng để có thêm tài xế, vừa có người đổi ca an toàn cho chuyến đi, vừa có người trò chuyện càng vui chứ sao”.

Anh bạn tôi vẫn quả quyết rằng, hiện tại, những chuyến hàng anh được khoán chỉ một mình một xe đi từ các tỉnh phía Bắc vào tới TP Hồ Chí Minh và ngược lại giới hạn trong 3 ngày phải vào tới nơi. Trên đường đi, lúc nào mệt thì dừng lại nghỉ, khỏe rồi lại đi tiếp, bao lâu nay vẫn đi như vậy chẳng vấn đề gì. Nếu theo quy định mới thì sẽ phải bổ sung thêm tài xế, vừa gây lãng phí và không cần thiết. Ban đêm đường vắng nên nguy cơ gây tai nạn giao thông cũng không cao.

Thông tin Bộ Giao thông vận tải đăng tải dự thảo Luật Đường bộ để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, trong đó đề xuất giờ làm việc của tài xế lái phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ không quá 8 giờ một ngày, thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ. Riêng trong khung giờ ban đêm, từ 22 giờ hôm trước tới 6 giờ hôm sau, đề xuất quy định thời gian lái xe liên tục không được quá 3 giờ.

Đề xuất này đã gây nhiều ý kiến khác nhau. Không ít ý kiến tỏ ra quan ngại về việc giám sát chấp hành thực hiện quy định của các lái xe. Bởi trên thực tế, quy trình quản lý thời gian làm việc của lái xe được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình vẫn còn bất cập, không loại trừ khả năng tài xế thực hiện thao tác giao ca theo thời gian trên hệ thống nhưng thực chất lại không thực hiện việc đổi lái.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định là một phần quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe của lái xe cũng như người tham gia giao thông khác. Giới hạn thời gian lái xe trong một khoảng thời gian hợp lý giúp đảm bảo tinh thần tỉnh táo, sự tập trung và phản ứng nhanh chóng của lái xe, hạn chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải cũng gặp không ít những ý kiến trái chiều. Ở góc độ doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng dự thảo điều chỉnh thời gian lái xe ở trên có nhiều điểm bất hợp lý. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam giải thích rằng, người vận tải chuyên nghiệp thường dành ban ngày để làm thủ tục giao nhận hàng, và chạy xe nhiều vào ban đêm vì khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ tai nạn giao thông và độ hao mòn lốp. Với đề xuất mới này, cũng sẽ khiến một lượng đáng kể xe chuyển sang chạy khung giờ từ 6 giờ đến 22 giờ để tài xế được chạy liên tục 4 giờ, theo đó sẽ làm gia tăng áp lực ùn tắc và nguy cơ va chạm giao thông. Kể cả đề xuất giảm thời gian lái xe trong ngày xuống không quá 8 giờ cũng không phù hợp, vì sẽ làm tăng chi phí về nhân sự cho doanh nghiệp…

Ở góc độ người dân, một số ý kiến cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó thái độ làm việc của lái xe chiếm tỷ trọng lớn. Nhưng cũng nhiều người đồng tình với đề xuất của dự thảo, cho rằng ban đêm rất dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ, kể cả dùng cà phê hay chất kích thích khác. Do đó, đề xuất ban đêm lái xe liên tục không quá 3 giờ được cho là phù hợp.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), 6 tháng đầu năm 2023 cả nước xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. Một điểm rất đáng chú ý là phần lớn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lại xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (0-6h). Đặc điểm của khung giờ này là đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, hơn nữa về đêm khuya lái xe hay mệt mỏi, điều khiển xe trong một trạng thái sinh học rất dễ buồn ngủ.

Việc đề xuất giảm thời gian lái xe liên tục vào ban đêm ở Việt Nam dù cách này hay cách khác thì mục đích chính là để ngăn ngừa tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng hiện nay. Việt Nam giờ mới siết chặt có chăng còn là hơi muộn.

Được biết khi đưa ra dự thảo quy định này, Bộ Giao thông vận tải cũng đã tham khảo quy định của một số nước phát triển. Chẳng đâu xa lạ, ngay như nước láng giềng Trung Quốc, cô bạn tôi vừa đi du lịch về khen nức nở cảnh đẹp bên đó, đi bằng xe giường nằm. Giao thông thuận tiện. Cứ 2 giờ tài xế đổi lái 1 lần. Tài xế bảo họ không dám vi phạm vì lái quá 2 giờ sẽ bị camera phát hiện và phạt hãng xe. Việc lái xe chấp hành nghiêm các quy định cũng làm cho hành khách cảm thấy yên tâm, tính mạng được an toàn.

Việc siết chặt các quy định để đảm bảo an toàn giao thông chẳng có gì là lạ ở các nước phát triển, nơi tính mạng con người luôn được đặt lên hàng đầu. Còn chúng ta đang tính toán sao cho có lợi nhuận nhất khi kinh doanh, nhưng lại quên mất nhu cầu cần an toàn của bản thân và nhu cầu an toàn của xã hội. Xã hội càng phát triển đều hướng tới văn minh. Văn minh ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc chấp hành nghiêm quy định an toàn về giao thông.

Vấn đề là làm sao để quy định được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh các chế tài xử phạt, thì câu chuyện ý thức chấp hành của người tham gia giao thông vẫn là điều cần phải bàn. Còn bàn việc thực hiện hay không thì các nước phát triển họ đã làm, sao chúng ta lại không thực hiện.

Minh Tuyên

Tin cùng chuyên mục