Hơn 10 năm thành lập đến nay, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thu được những kết quả to lớn. Cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, gây thất thoát tài sản nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng. Trung ương đã mạnh tay xử lý những cán bộ cấp cao đương chức và cả cán bộ cấp cao đã “hạ cánh”. Sức nóng của lửa chống tham nhũng đã truyền mạnh xuống các địa phương…
Thực tế ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã có không ít động thái đá “quả bóng trách nhiệm” lên cấp trên hoặc chuyền ngang cho đồng đội mà không dám “sút” theo vai trò trách nhiệm của mình. Hậu quả của việc này dẫn đến trì trệ trong quản lý điều hành, cán bộ làm việc cầm chừng, không dám đổi mới, chỉ theo nếp cũ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội.
Phải chăng sự mạnh tay từ trên đã làm cho dưới nhìn mà thấy “chờn”, không dám làm gì vì sợ sai, sợ phải chịu trách nhiệm, sợ vướng vòng lao lý? Tâm lý sợ trách nhiệm đã biến những cán bộ, đảng viên thành những người vô trách nhiệm với công việc, với nhân dân. Nhưng xã hội vẫn phát triển như dòng chảy không ngừng, tham nhũng vẫn cần xử lý, công việc vẫn phải được giải quyết.
Bài “Bệnh sợ trách nhiệm” trong cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất bản mới đây có nội dung: “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”. Bài viết là nhìn nhận kịp thời để chỉnh đốn thái độ và trách nhiệm của cán bộ trong công việc.
Ngày 19-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường tách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, nhằm chấn chỉnh những tồn tại hạn chế, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc…
Để tránh lây lan “mầm bệnh” sợ trách nhiệm đến cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ công chức, viên chức trong tỉnh, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Quy định tạm thời về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trong đó “khuyến khích” là sự tin tưởng, khích lệ, tạo môi trường đổi mới sáng tạo; “cơ chế bảo vệ” là xác định các tiêu chí bảo vệ cán bộ trước những rủi ro, sai sót trong quá trình đổi mới, sáng tạo. Đây là sự khuyến khích rất kịp thời những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá để tháo gỡ nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nghĩ về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tôi lại nhớ câu chuyện trước đây của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc, đó là một điển hình. Ông là người cán bộ có tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm và thương dân. Với quan điểm xã viên không coi ruộng đất là của mình thì sẽ không thiết tha gì với đồng ruộng, nên phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình, ông đã có quyết định táo bạo giao khoán ruộng cho từng hộ nông dân để họ chủ động canh tác. Sau khi khoán 10 ra đời năm 1988, có nghĩa là ý tưởng của ông được chấp thuận thì người ta mới thấy tư duy của ông đi trước thời đại, mặc dù chủ trương đó một thời gian dài bị phê phán là đi ngược với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Con người khi thoát khỏi tư tưởng bó hẹp, được khuyến khích thì tư duy sáng tạo và chất xám sẽ có cơ hội được phát huy. Khuyến khích, bảo vệ thế nào để cán bộ không còn tư tưởng sợ sai, sợ trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm…đang cần sự cụ thể hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết