Tất nhiên là sau đó các chủ tài khoản đều bị xử phạt và phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải, bình luận. Qua quá trình đấu tranh của lực lượng công an cho thấy, ngoài mục đích nhằm câu like, câu view của các chủ tài khoản này còn có nguyên nhân là do họ đã không kiểm chứng thông tin, bị lợi dụng sự nhẹ dạ của kẻ xấu, các đối tượng phản động cố tìm cách “bẻ lái” vụ việc, đưa thông tin sai lệch để định hướng, gây hoang mang dư luận, chỉ trích chính quyền địa phương.
Trên một số trang mạng chống phá Nhà nước đưa ra luận điệu xuyên tạc, bịa đặt rằng nguyên nhân của vụ xả súng xuất phát từ việc “chính quyền cưỡng chế đất của người dân Cư Kuin” và do cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.
Tuy nhiên, nguyên nhân của vụ việc hoàn toàn trái ngược với thông tin mà chúng đưa ra để xuyên tạc, hướng dư luận tin và nghe theo.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa Bộ Công an nhận định, vụ tấn công 2 trụ sở ủy ban xã tại Đắk Lắk là hoạt động khủng bố có tổ chức, có nghi phạm là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.
Trong khi, những chủ tài khoản facebook hồn nhiên để cho kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết để đăng tin sai sự thật để câu like, câu view, gây hoang mang dư luận thì biết bao nhiêu người dân Tây Nguyên nói chung đồng lòng, chung sức cùng với chính quyền truy bắt các đối tượng lẩn trốn, trả lại cuộc sống bình yên.
Nhiều người cho rằng, mạng xã hội chỉ là không gian ảo nhưng nó không còn là ảo khi bị các đối tượng xấu, phản động, chỉ trực chờ nhăm nhe để chống phá lại Đảng, Nhà nước, lợi dụng, lôi kéo những người mất cảnh giác, thiếu hiểu biết. Do đó, chưa khi nào lời kêu gọi “không tin, không nghe, không theo” các đối tượng phản động, xuyên tạc, gây chia rẽ đoàn kết lại có ý nghĩa như thời điểm này.
Sự nghiệp quốc phòng - an ninh không phải là trách nhiệm của một ai, mà là trách nhiệm của toàn dân. Trước mỗi thông tin, vụ việc, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo để phân biệt thông tin chính thống, không chính thống, phân biệt đâu là “bẫy” thông tin của kẻ xấu. Đối với những “bẫy” thông tin của kẻ xấu cần phải được tẩy chay, loại bỏ, chủ động tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Và để tẩy chay được những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, mỗi người cần tỉnh táo, không nhẹ dạ cả tin và biết tra cứu, tìm kiếm thông tin chính thống tại những trang báo, trang thông tin điện tử chính thống của Đảng, Nhà nước.
Từ vụ việc này, có lẽ những đối tượng bị xử phạt về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk cũng nhận về bài học, cần tham gia mạng xã hội bằng một cái đầu thật tỉnh táo, đừng biến mình thành nạn nhân trong những “cái bẫy” thông tin xấu, độc của các cá nhân, tổ chức phản động.
Gửi phản hồi
In bài viết