Bưởi tiến vua Thái Long

- Nghe bưởi Tiến vua, nhiều người thấy lạ, sinh tò mò tìm đến xem. Khi ăn thử thì người ta tấm tắc, đúng là “đồ tiến vua” thật, ngon lạ thường.Thú vị hơn, “cha đẻ” của cây bưởi tiến vua này ở đất Thái Long (TP Tuyên Quang) từ một nông dân thứ thiệt bỗng trở thành giám đốc nhờ... trồng bưởi.

“Chiếc áo long bào” vùng soi bãi

Lần theo hương bưởi tiến vua, chúng tôi tìm về xã Thái Long. Không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm trọn vườn bưởi chi chít quả đang vào mùa thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Hòa Mục. Người dân, du khách và thương lái khi biết được thương hiệu bưởi tiến vua Thái Long đã tìm đến vườn nhà ông để tham quan, mua và thưởng thức.

Đã ngoài 60 tuổi nhưng nhìn ông Vinh còn trẻ trung, hoạt bát. Dáng người nhỏ nhắn, ở ông toát lên sự chất phác của người nông dân. Bên chén trà nóng, ông Vinh kể cho tôi nghe về cái nghiệp làm bưởi của mình. Ông bảo, gần 20 năm trồng bưởi, nhưng chỉ 8 năm trở lại đây, vườn bưởi nhà ông mới thực sự mang lại nguồn thu lớn như vậy. Nhưng ít ai biết được rằng, hành trình để cây bưởi tiến vua đứng vững và khẳng định được giá trị trong khu vườn của người nông dân này cũng gặp không ít nhọc nhằn. Năm 1977, khi đó ông Vinh 17 tuổi, theo gia đình và 39 hộ dân khác ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) lên Tuyên Quang khai hoang vùng kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước. Trái bưởi ấy được hái từ cây bưởi Tiến vua mà gia đình ông mang từ quê cũ lên trồng từ 30 năm trước.

       Vườn bưởi Tiến vua của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (bên trái), Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Quang Vinh,
xã Thái Long (TP Tuyên Quang).

Ông Vinh bảo lý do ông chọn cây bưởi Tiến vua bởi đây là giống bưởi được các cụ lấy từ vùng đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Tương truyền từ xa xưa các quan trong triều thường săn lùng của ngon, vật lạ trong dân gian dâng vua, trong đó có loại bưởi này nên các cụ mua về trồng lấy trái thờ cúng gia tiên. Trải qua 30 năm phát triển trên đất Thái Long, cây bưởi quý năm nào vẫn sống khỏe, không sâu bệnh và cho trái ngon. Ông tin vùng đất này phù hợp để nhân giống. Chính niềm tin và dự cảm đó đã thôi thúc ông bắt tay vào nhân giống bưởi quý. Đến nay gần 100 gốc bưởi tiến vua ông trồng đã đứng chân được trên mảnh đất Thái Long.

Bưởi tiến vua có “ngoại hình” to, cao, oai hùng như tráng sĩ, lúc chín quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng óng như chiếc áo Long bào mà Vua vẫn mặc. Chính vì vậy, giống bưởi này được xem như biểu tượng của sự no ấm, thịnh vượng. Những ngày cuối năm, khi bưởi chín rộ, cả khu vườn nhà ông Vinh óng ả như chiếc áo long bào nơi vùng đất soi bãi. Khi ăn, bưởi giòn tôm, tép màu đỏ hồng, lại mọng nước, ăn có vị chua ngọt tan đầu lưỡi, thanh mát độc đáo. Hương thơm của quả bưởi rất đặc trưng khó lẫn với các loại bưởi khác. Bưởi Tiến vua thu hoạch rộ từ tháng 8 - 9 Âm lịch, các trà quả ở loạt hoa cuối thì cho thu hoạch vào dịp Tết Âm lịch nên thương lái thường săn lùng bán cho người tiêu dùng trưng Tết. Quả đẹp bán vào dịp này có giá từ 50 - 100 nghìn đồng/quả. Sau khi mua về, người tiêu dùng sẽ rửa sạch, dùng thêm một chút rượu xoa bên ngoài vỏ trước khi đặt lên ban thờ. Bưởi sẽ tỏa hương thơm thoang thoảng tạo cảm giác ấm áp giữa những ngày xuân lạnh.

Bưởi tiến vua cũng vì thế mà vươn tới các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái rồi về Thủ đô Hà Nội. Tiếng về loại bưởi Tiến vua được người dân, thương lái và du khách xa gần săn lùng, tìm mua nên cung không đáp ứng đủ cầu. Nhận thấy sức mình có hạn, ông Vinh đã đứng ra liên kết tổ chức các hộ cùng trồng cây ăn quả thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xã Thái Long. Ông sẵn sàng chia sẻ giống bưởi quý cho các thành viên trong tổ cùng trồng và bao tiêu sản phẩm. Dẫu bưởi tiến vua được giá, nhưng trong làm ăn “không nên để trứng vào cùng một giỏ” vì thế ông bàn với các thành viên trồng thêm một số loại bưởi khác như da xanh, bưởi diễn, bưởi đường… Mỗi giống bưởi có thời gian thu hoạch khác nhau sẽ tránh được những biến động của giá cả thị trường và ảnh hưởng của thời tiết.

Mô hình phát triển kinh tế của ông Vinh đã lan rộng ra khắp xã và hình thành vùng sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa chuyên canh. Hiện, nhiều hộ kinh doanh, thương lái buôn bán hàng trái cây ở chợ Tuyên Quang và các tỉnh lân cận đến tận vườn ông Vinh cũng như nhiều hộ gia đình trong xã để thu, mua bưởi với mức giá từ 18 - 20 nghìn đồng/kg.

Vụ bưởi năm nay ông đã thu hoạch được một nửa. ông Vinh nhẩm tính, năm nay sản lượng bưởi ước đạt hơn 15 tấn, thương lái mua buôn giá 20 nghìn đồng/kg thu được hơn 300 triệu đồng. Vài năm tới, với hơn 400 gốc bưởi cho quả, sản lượng tăng gấp đôi, nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định thì cũng thu được tiền tỷ. Trong vườn bưởi gia đình, ông Vinh dành hẳn một khoảng không gian để tiếp đón người dân, du khách khi họ đến thăm và mua bưởi tại vườn.

    Khi ăn bưởi Tiến vua Thái Long (TP Tuyên Quang) có vị chua ngọt tan đầu lưỡi và vị thanh mát độc đáo.

Xây dựng vùng bưởi chuyên canh

Phó Chủ tịch UBND xã Thái Long Phan Văn Thực cho biết, là một xã thuần nông, trồng lúa và các loại hoa màu ngắn ngày là truyền thống từ lâu của bà con. Giá trị từ các loại cây trồng này không cao, đời sống người dân nhiều năm trước vì thế vẫn còn khó khăn. 10 năm trở lại đây, từ mô hình điểm của gia đình ông Vinh, xã vận động người dân thực hiện phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi. Qua đánh giá, so sánh, giá trị cây bưởi đem lại nguồn thu gấp khá nhiều lần so với trồng một số cây màu ngắn ngày. Do đó, xã thực hiện quy hoạch vùng trồng bưởi.

Thời gian đầu, trồng bưởi vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, mạnh ai người nấy trồng, mạnh ai người nấy bán nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển cây bưởi chưa được đồng bộ, sản xuất manh mún, chưa khai thác được hết hiệu quả của loại cây này. Năm 2016 khi HTX trồng cây ăn quả Quang Vinh do ông Nguyễn Văn Vinh làm Giám đốc được thành lập đã trở thành bước ngoặt lớn trong thực hiện định hướng phát triển bưởi thành sản phẩm hàng hóa và cũng là niềm vui lớn của những người trồng bưởi. Bởi từ đây, người nông dân đã có điểm tựa, phát triển vùng bưởi được bài bản, cụ thể hơn.

Trong phương án hoạt động của mình, đi đôi với khuyến khích mở rộng diện tích, HTX trồng cây ăn quả Quang Vinh đã phối hợp tổ chức các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây cho thành viên, đặc biệt là áp dụng quy trình sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại mỗi thôn, HTX lựa chọn những thành viên cốt cán, có nhiều kinh nghiệm trong trồng cây ăn quả làm hạt nhân tuyên truyền, và đầu mối hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật cho các thành viên. Với điểm tựa này, số hộ gia đình có nhu cầu tham gia vào HTX ngày càng nhiều. Từ 12 thành viên lúc mới thành lập, đến nay đã lên đến 21 thành viên, tổng diện tích cây ăn quả của HTX phát triển được 30 ha.

Thực hiện Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, bưởi tiến vua Thái Long là một trong những sản phẩm được thành phố Tuyên Quang chọn để xây dựng thương hiệu trong giai đoạn đầu của chương trình. Hiện xã Thái Long đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Toàn xã có 10 ha bưởi tiến vua; 60 ha các loại bưởi khác như bưởi đường, da xanh, bưởi diễn, bưởi chua… chiếm phần lớn diện tích đất soi, bãi của xã, trở thành cây trồng chủ lực nâng cao thu nhập cho người dân. Doanh thu từ bưởi toàn xã đạt 2 tỷ đồng/năm. Để tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương, xã Thái Long đã xây dựng Dự án chuyên canh và tạo dựng thương hiệu bưởi Tiến vua. Hiện bưởi tiến vua Thái Long đạt chất lượng cao và được đánh giá sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao. Đây là tiền đề, cơ hội cho bưởi tiến vua Thái Long ngày càng bay cao, bay xa.

Phóng sự: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục