Chàng trai người Dao lập nghiệp từ nuôi lợn đen

- Kinh nghiệm có được từ lần “vỡ nợ” đầu đời và khoảng thời gian làm công nhân tại Khu công nghiệp dưới Hải Phòng đã giúp anh Bàn Càn Thêm, khu di dân tái định cư làng Hun, thôn Đóng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) có được những thành quả như ngày hôm nay.

Thất bại và cuộc chia xa

Xuôi dòng suối nhỏ của làng Hun, anh Thêm lái thuyền đưa chúng tôi đến thăm trang trại nhỏ của mình. Quãng thời gian gần 30 phút đi thuyền, tôi có dịp được nghe anh Thêm chia sẻ về quãng thời gian lập nghiệp đầy gian khó.

Năm 2013, anh Thêm cùng vợ lập nghiệp bằng mô hình nuôi lợn trắng. Nhưng không may mắn, đợt đó dịch bệnh, lợn chết nhiều, sau 2 năm cầm cự, vợ chồng anh “vỡ nợ” mất khoảng gần 80 triệu đồng. Số tiền ấy anh vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau. Lúc đó, vợ chồng anh lại mới ra ở riêng, con nhỏ, khó khăn chất chồng khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, anh bàn với vợ và quyết định đi làm công nhân tại một Công ty sản xuất văn phòng phẩm ở Hải Phòng. Với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, anh gửi tiền về cho vợ trả nợ và nuôi con cái.

2 năm làm công nhân tại Hải Phòng, chưa có đêm nào anh ngủ ngon giấc khi nghĩ đến gia đình. Những cuộc điện thoại hàng ngày về cho vợ, con không làm anh nguôi được nỗi nhớ. Anh tâm sự, anh cũng nghĩ mãi, đi làm xa nhà, thật ra tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, không có cơ hội làm giàu. Muốn giàu, chỉ có tập trung làm kinh tế. Sau 1 lần gọi điện về nhà, nghe vợ kể dạo này ở nhà nhiều người đi buôn lợn, thu nhập cũng khá. Anh quyết định về quê.

Đàn lợn đen của anh Thêm được chăn nuôi theo hướng tự nhiên.

Hàng ngày, rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, anh đi tìm những nhà có lợn ngon ở trong xã và các xã lân cận để hỏi mua. Công việc mới dù có vất vả, nắng mưa, nhưng anh cảm thấy thoải mái vì được làm chủ thời gian và công việc của mình. Quan trọng nhất là được gần vợ, gần con, nhìn các con khôn lớn từng ngày là động lực to lớn giúp anh phấn đấu không ngừng nghỉ.

Những ngày tháng rong ruổi đó, anh nhận thấy giống lợn đen bản địa có giá thành cao hơn hẳn lợn trắng. Các sản phẩm được chăn thả chủ yếu thuận theo tự nhiên là xu hướng hiện nay của người tiêu dùng. Anh không bỏ lỡ cơ hội, anh cười bảo, lần “vỡ nợ” đầu đời đã để lại cho anh những kinh nghiệm quý báu, anh tin mình sẽ không mắc phải những sai lầm như trước. Số tiền gom góp được từ mấy năm buôn lợn, anh đem đi mua giống lợn đen và xây dựng chuồng trại. Anh chọn địa điểm bên bờ suối vì ở đó xa khu dân cư, khí hậu trong lành là điều kiện quan trọng để lợn phát triển tốt nhất.

Chăn nuôi thuận tự nhiên 

Trang trại của anh Thêm nằm ở bên bờ suối, bên trên là những quả đồi nhỏ. Vì vậy, chuồng trại của anh cũng được xây dựng đơn giản. Ở đó, anh dựng một nhà sàn nhỏ, 3 khu chuồng nuôi. Ban đầu, anh đi tìm mua những con lợn đen bản địa về nuôi và nhân giống. Anh Thêm cho biết, giống lợn đen ở đây có sức đề kháng cao với môi trường chăn thả tự nhiên, lợn khỏe, ít dịch bệnh có khả năng phát triển và sinh sản ổn định trong điều kiện dinh dưỡng kém. Vì vậy, hàng ngày anh chỉ cho lợn ăn 2 bữa với thức ăn chủ yếu là bã đậu, ngô, chuối. Lợn của anh được thả rông, anh rèn cho lợn quen với tiếng kẻng mỗi khi gọi chúng về ăn hoặc đến giờ về chuồng. Vì không ở trực tiếp tại đó, anh Thêm đã đầu tư hệ thống camera để tiện trông coi lợn.

Anh Bàn Càn Thêm, thôn Đóng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cho lợn con uống thuốc phòng bệnh.

Lấy ngắn nuôi dài là cách anh Thêm đang làm để phát triển kinh tế gia đình. Mỗi một lứa lợn đen anh Thêm nuôi trong khoảng 6-7 tháng, quãng thời gian đó, anh kết hợp thêm nuôi gà thịt. Đàn gà của anh lúc nhiều nhất cũng lên đến 400-500 con. Gà cũng được anh thả tự nhiên. Năm 2020, anh Thêm xuất được 2 lứa lợn với hơn 60 con và khoảng 300 con gà. Trừ chi phí, gia đình anh cũng thu về gần 80 triệu đồng tiền lãi. Số tiền đó là không nhỏ so với thu nhập bình quân của người dân tại khu di dân làng Hun.

Anh Ma Văn Hòa, Trưởng thôn Đóng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết, mô hình chăn nuôi lợn đen kết hợp nuôi gà của anh Thêm là mô hình đầu tiên của khu tái định cư làng Hun. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm mô hình đã dần đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Thêm. Khu di dân tái định cư làng Hun với hơn 30 hộ dân chuyển từ xã Xuân Tân (Na Hang) về, cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn. Thôn đang vận động và định hướng cho bà con học tập và làm theo mô hình chăn nuôi của anh Thêm để phát triển kinh tế.

Hiện nay, anh Thêm đã đầu tư vào trang trại của mình khoảng 200 triệu đồng. Đàn lợn đang duy trì khoảng 90 con và hơn 200 con gà. Anh Thêm cho biết, dù giá lợn trắng đang xuống thấp nhưng lợn đen lại giữ mức giá ổn định. Vì vậy, công việc chăn nuôi của anh cũng không gặp khó khăn là mấy. Giá lợn đen hiện nay dao động từ 70-80 nghìn đồng/kg lợn hơi. Từ giờ đến Tết, nếu giá lợn giữ ở mức ổn định hoặc tăng thì sẽ là một lứa lợn có hiệu quả.

Sau những thất bại và chia ly, gia đình anh Thêm đang dần có cuộc sống ổn định với trang trại chăn nuôi lợn đen kết hợp nuôi gà, một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu của người dân trong khu. Chia tay họ, hình ảnh về một gia đình nhỏ ngập tràn hạnh phúc cứ vương vấn mãi trong tôi...

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục