Chàng trai Tày nuôi dê ngoại

- Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có hoàn cảnh khó khăn, chàng trai Tày sinh năm 1990 Lương Văn Hưởng, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên (Sơn Dương) luôn ấp ủ ước mơ làm giàu chính đáng trên mảnh đất nơi mình sinh ra. Hiện anh Hưởng là chủ mô hình nuôi dê Boer Thái Lan, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Tiên phong đưa dê Boer về địa phương

Với những người nuôi dê ở xã Trung Yên, cái tên Lương Văn Hưởng, thôn Hoàng Lâu đã trở nên quen thuộc. Nhờ chịu khó tìm tòi, đến nay anh Hưởng đã nắm được nhiều bí quyết nuôi dê ngoại và trở thành người tiên phong phát triển mô hình nuôi dê Boer vỗ béo ở địa phương. 

Cũng giống như nhiều hộ dân ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn Trung Yên, đời sống gia đình anh Hưởng cũng không mấy khấm khá, thu nhập chính chủ yếu dựa vào việc làm nông, trồng ngô. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn không cải thiện, anh Hưởng quyết định đầu tư chăn nuôi hơn 10 con dê cỏ bản địa.

Tuy nhiên, lúc mới bắt đầu anh Hưởng chăn nuôi theo tập quán cũ là chăn thả tự nhiên. Đàn dê không có chuồng trại, không được bảo vệ, chăm sóc nên chậm phát triển, có con thì bị dịch bệnh chết. 10 con giống ban đầu, sau một thời gian nuôi không những không tăng lên, mà giảm chỉ còn 7 con. Anh nhận thấy, chăn nuôi với tập quán cũ thì sẽ không thành công mà có nguy cơ ngày càng nghèo thêm.

 Đàn dê thương phẩm được anh Hưởng chăm sóc tốt nên con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh.

Anh Hưởng chia sẻ: Để tìm được một giống dê có nhiều điểm nổi trội như dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, cho sản lượng thịt nhiều, anh đã đến nhiều trang trại nuôi dê ở các tỉnh phía Bắc và một số địa phương trong huyện tìm hiểu kỹ thuật và lựa chọn giống dê. Năm 2017, anh bỏ ra 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại đảm bảo cao ráo, thoáng mát và vệ sinh môi trường với quy mô có thể nuôi được 150 con. Đầu năm 2018, anh một lần nữa “khăn gói” ra tỉnh Vĩnh Phúc mua 15 con dê giống Boer nhập khẩu từ Thái Lan.

Vạn sự khởi đầu nan, do thiếu kiến thức, cộng thêm dê ngoại chưa thích nghi với khí hậu thời tiết, trong quá trình nuôi một số con chậm phát triển và thường xuyên bị bệnh. Nhiều người nghi ngại về mô hình chăn nuôi này, người thân cũng bàn lui trước áp lực về vốn. Không nản chí, anh Hưởng đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi dê, tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu thêm kiến thức trên sách báo, mạng xã hội. Đàn dê nhập ngoại của anh dần phát triển tốt.

So với giống dê cỏ bản địa, trọng lượng của mỗi con dê Boer ở thời điểm xuất bán tăng thêm 10 - 15 kg, nhờ vậy thu nhập tăng thêm 1 - 1,5 triệu đồng/con. Từ 15 con ban đầu, hiện đàn dê đã tăng 150 con/lứa. 

 Triệu phú trẻ 

Yên tâm về khâu chọn con giống, anh Hưởng lại tính cách làm giàu. Sau một thời gian chăm bẵm, những thành quả đầu tiên từ mô hình nuôi dê ngoại đã đến với chàng thanh niên trẻ Lương Văn Hưởng. Trung bình cứ 3 tháng anh xuất bán từ 4 - 5 tấn thịt cho nhà hàng trong huyện và thương lái ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội.  Thịt dê được nuôi đảm bảo sạch, không bệnh tật nên được khách hàng rất yêu thích. Mỗi năm, anh Hưởng xuất bán được 3 - 4 lứa dê, mỗi lứa 150 con. Với giá bình quân mỗi cân thịt dê khoảng 130.000 đồng/kg, anh “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng.

Anh Lương Văn Hưởng, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên (Sơn Dương) chuẩn bị thức ăn cho đàn dê.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, anh Hưởng nói rằng: Để nuôi dê đạt hiệu quả, anh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuồng trại và phòng, chống dịch bệnh. Hiện anh đang nuôi với quy mô 150 con dê Boer thương phẩm. Với số lượng dê như vậy, anh tách ra làm 2 chuồng, mỗi chuồng rộng khoảng 100 m2, làm bằng tre nứa, lợp mái tôn đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Sàn chuồng cách mặt đất khoảng 1m, cùng với đó là thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêu độc khử trùng, phòng tránh bệnh cho dê. Ngoài ra, anh Hưởng đầu tư trồng hơn 2 sào cỏ voi, cung cấp thêm thức ăn như cám, ngô cho dê.

Không chỉ giúp bản thân thoát nghèo, bà con trong xã ai có mong muốn xây dựng kinh tế từ việc nuôi dê Boer anh đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hết mình về kỹ thuật. 

Đồng chí Bí thư đoàn xã Trung Yên Đàm Văn Tuấn cho biết, mô hình nuôi dê nhập ngoại của đoàn viên Lương Văn Hưởng là mô hình điển hình trong phát triển kinh tế của đoàn viên xã Trung Yên. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hưởng còn là người “thổi lửa” cho phong trào đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế ở địa phương. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh Hưởng luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hiện trên địa bàn xã đã có rất nhiều thanh niên thực hiện mô hình nuôi dê Boer nhập ngoại này. Việc nuôi dê đã mang lại nguồn kinh ổn định, giải quyết việc làm, nhiều hộ thoát nghèo.

Ghi chép: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục