Chuyện dân vận ở Xuân Lập

- Từ chỗ cả xã chỉ có trên 50 nhà vệ sinh đạt chuẩn, tỷ lệ chỉ đạt trên 20% (2015), có thôn của đồng bào dân tộc Mông sinh sống còn không có cái nào đạt chuẩn. Vậy mà đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn của xã Xuân Lập (Lâm Bình) đã đạt 71%, nhiều thôn đặc biệt khó khăn như Khuổi Trang, Khuổi Củng, 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Giàng Seo Dính, người Mông ví: “Chuyện vận động người Mông, người Dao ở đây làm nhà vệ sinh, nuôi trâu, bò nhốt chuồng gian nan như đi trên con đường gập ghềnh từ trung tâm xã lên Khuổi Củng vậy!”.

“Cái miệng không xoàng đâu”

Thôn Khuổi Trang là một bản nhỏ, nằm nép mình bên sườn một ngọn núi, cách trung tâm xã khoảng 11 cây số. Đường lên Khuổi Trang chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc nếu có ô tô cũng phải là ô tô loại gầm cao hoặc bán tải. Thôn có 77 hộ dân sinh sống, người Mông chiếm tới 90%. Vài năm trước, Khuổi Trang không có nhà vệ sinh nào đạt chuẩn. Nhưng bây giờ, 100% hộ dân ở đây đã có nhà vệ sinh đạt chuẩn, trên 50% nhà tắm đạt chuẩn, trên 80% chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được làm xa nhà. Đồng chí Thào Seo Hầư, Trưởng thôn Khuổi Trang bảo: “Vận động người Mông làm nhà vệ sinh đạt chuẩn gian nan lắm, cái miệng không xoàng đâu mới vận động được”. Theo trưởng thôn Thào Seo Hầư, gian nan ở đây nghĩa là phải làm thay đổi cả nếp nghĩ, phong tục lạc hậu đã tồn tại từ lâu. Anh kể, trước đây, khi chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn, hầu như năm nào, lợn, gà, trâu, bò cũng bị chết do dịch tụ huyết trùng. Nguyên nhân chính là từ ô nhiễm nguồn nước do bà con phóng uế bừa bãi. Trước thực trạng đó, Chi hội Phụ nữ thôn đã giúp đỡ một số hộ dân đào hố, làm nhà vệ sinh tạm rồi vận động nhân dân từng bước kiên cố hóa nhà vệ sinh. “Thế nhưng khi hố đầy nước thải, mưa xuống, nước tràn ra, dềnh lên, gà sểnh chân ngã xuống hố, chết cả gà, vận động mãi nhưng nhân dân vẫn chưa hiểu” - Trưởng thôn Thào Seo Hầư kể. Không thể để tình trạng này kéo dài, chi bộ đã họp, bàn bạc, chỉ đạo đảng viên phải đi trước, tiên phong trong làm nhà vệ sinh đạt chuẩn. Thôn cũng bàn bạc với nhân dân, thống nhất lấy tiền hỗ trợ bảo vệ rừng hàng năm Nhà nước chi trả cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ để hỗ trợ nhân dân làm nhà vệ sinh. Bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, thôn còn huy động lực lượng dân quân, phụ nữ, đoàn thanh niên hỗ trợ ngày công lao động. Trưởng thôn Giàng Seo Hầư tiên phong làm trước rồi đến Phó thôn Giàng Seo Khái. Cứ thế mà cán bộ thôn vận động từng hộ làm một, nhà này thấy nhà kia làm cũng làm theo, dần dần cả thôn làm. Chị Lò Thị Mỷ vừa làm xong hai công trình nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín tự hoại, kiên cố, có mái che. Chị Mỷ bảo, trước đây, gà, lợn của nhà mình thường chết vì mình ở chưa được vệ sinh. Nay được vận động, tuyên truyền và hỗ trợ làm nhà vệ sinh, nhà mình đã ở ngăn nắp, sạch sẽ. Gia súc, gia cầm không còn chết vì dịch bệnh nữa.

Đồng chí Giàng Seo Dính (ngoài cùng bên phải), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Lập (Lâm Bình)
kiểm tra công trình vệ sinh của người dân thôn Khuổi Trang.

Khuổi Củng là thôn trước đây cũng “trắng” nhà vệ sinh đạt chuẩn. Vì chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn nên trước đây, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt rất thấp, thôn đều không đạt thôn văn hóa. Nhưng nay, 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Từ năm 2020, thôn đã đạt thôn văn hóa, trên 80% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Kết quả đó cũng là nhờ công sức làm dân vận của những cán bộ xã, thôn nơi đây. Đồng chí Giàng Seo Lầu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Khuổi Củng cho biết, cùng với việc trích tiền chi trả dịch vụ bảo vệ rừng để hỗ trợ các hộ gia đình làm nhà vệ sinh, chi bộ còn phân công đảng viên phụ trách vận động từ 6 đến 7 hộ gia đình. Hàng tháng, trong kỳ sinh hoạt định kỳ, chi bộ yêu cầu đảng viên báo cáo kết quả vận động làm nhà vệ sinh. Chi bộ cũng giao cho đảng viên tiên phong làm trước. Đối với những đảng viên hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện làm, chi bộ vận động vay vốn của Ngân hàng CSXH để làm. “Đảng viên nào vận động trong 6 tháng không có chuyển biến thì chúng ta sẽ đổi nhau. Bởi vậy mà có những hộ kéo dài, cố tình không làm, sau nhiều lần tuyên truyền cũng phải chấp hành” - Ông Lầu kể.

Quyết tâm vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Mông ở hai thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng làm nhà vệ sinh, hình thành thói quen ăn, ở, sinh hoạt ngăn nắp, sạch sẽ cũng bắt nguồn từ quyết tâm thực hiện nội dung đăng ký đột phá của Bí thư Đảng ủy Triệu Văn Minh. Năm 2015, khi được bầu làm lãnh đạo UBND xã Xuân Lập, anh Minh đã tham mưu ban hành kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Năm 2020, với cương vị là người đứng đầu cấp ủy, anh đã đăng ký thực hiện nội dung đột phá là lãnh đạo vận động nhân dân xóa nhà vệ sinh không đạt chuẩn. Từ quyết tâm này của người đứng đầu đã mang tới sự đồng lòng của tất cả cán bộ, công chức xã và cán bộ thôn.

Người dân thôn Khuổi Củng làm nhà trình tường.

Nắm chắc, biết chắc mới vận động

Ở Xuân Lập, hai thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng là hai thôn xa xôi, khó khăn nhất. Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Minh nói vui, nếu lên Khuổi Trang, Khuổi Củng ăn no cái bụng cũng khổ mà để cái bụng đói cũng khổ, vì đường xóc nên bụng dù đói hay no cũng đều bị đau. Vậy mà gần chục năm nay, anh và đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Giàng Seo Dính đã xung phong đảm nhận phụ trách và dự sinh hoạt chi bộ ở hai thôn này. Riêng đồng chí Chủ tịch UBND xã được Đảng ủy phân công phụ trách thôn trung tâm xã vì đồng chí phụ trách Bộ phận Một cửa, thường xuyên phải ký xác nhận thủ tục hành chính cho nhân dân. Ở thôn nào cũng có một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã phụ trách và dự sinh hoạt chi bộ. Riêng hai thôn xa nhất, khó nhất, anh Minh và anh Dính xung phong phụ trách. Anh Minh kể, làm công tác dân vận, nhất là ở nơi có đồng bào Mông, cán bộ phải nói thật. Cán bộ phải nắm vững các chủ trương, chính sách, nhất là chế độ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước rồi mới vận động và thông báo cho bà con. Chỉ một lần thất hứa với nhân dân, lần sau nhân dân không tin, không nghe nữa. Bởi vậy khi nắm chắc chủ trương của cấp trên về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ, những cán bộ như anh Minh, anh Dính mới đi vận động, thông báo rộng rãi tới nhân dân. Phương châm “Nắm chắc, biết chắc rồi mới nói và vận động” được cán bộ, công chức ở Xuân Lập áp dụng trong công tác dân vận đã mang lại hiệu quả cao trong vận động nhân dân xóa nhà tạm, dột nát. Năm nay, Xuân Lập đã và đang hoàn thành làm mới 24 ngôi nhà, trong đó có 7 ngôi nhà được làm theo kiểu nhà trình tường của người Mông. Anh Giàng Seo Sì, dân tộc Mông, thôn Khuổi Củng năm nay cũng được vận động làm nhà trình tường và được huyện hỗ trợ 50 triệu đồng. Ngôi nhà trình tường của anh đang ở giai đoạn lên tường nên dù mấy hôm nay Khuổi Củng mưa liên tục, bà con trong thôn cũng đến hỗ trợ rất đông. Không phải chỉ khi dự sinh hoạt chi bộ, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Minh mới xuống dự, trong thời gian nhân dân làm nhà mới, cách ngày anh Minh lại dành thời gian xuống nắm tình hình từng hộ. Anh còn sưu tầm những mẫu nhà trình tường đẹp để cho nhân dân tham khảo. Anh chia sẻ: “Làm lãnh đạo ở vị trí càng cao thì phải nhận nhiệm vụ khó khăn hơn”. Anh Giàng Seo Sì cho biết: “Được biết có chủ trương hỗ trợ cho gia đình mình làm nhà ở, được cán bộ xã vận động, dù năm nay, gia đình mình vẫn còn khó khăn nhưng mình vẫn quyết định làm”.

Còn anh Lý Seo Sáng, dân tộc Mông, thôn Khuổi Trang cho biết: “Được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà, mình mừng lắm và quyết định làm nhà trình tường, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Cán bộ xã còn vận động đoàn thanh niên xã, bà con trong thôn hỗ trợ gia đình mình tháo dỡ nhà cũ, đào đất, làm nền...”.

Công tác dân vận ở Xuân Lập tuy gian nan nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn nhiệt tình, trách nhiệm, gần gũi với nhân dân và có phương pháp đã từng bước làm thay đổi cuộc sống ở Xuân Lập, chăm lo tốt hơn cho người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục